Cứ thấy khác là dị ứng, không hiểu cũng chửi – là thói tật khá phổ biến trong giới chữ nghĩa của ta hôm nay. Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều mới Hiện đại mà đã bị, huống hồ Hậu hiện đại.
Sau cái tút “Thơ Hậu hiện đại [được cho là hay] của Inrasara”, tôi nhắn tin hỏi ý kiến mươi bạn văn chương thuộc nhiều lứa tuổi, vùng miền: “Nói riêng, và thật lòng nhé”, để xem nó được đón nhận thế nào. Ngoài 1 bạn thơ “cho qua”, còn lại cảm nhận được, tán đồng, và… khen.
Dĩ nhiên, đăng chùm thơ ấy tôi hơi ăn gian xíu, khi định danh Hậu hiện đại, trong khi nó mới chỉ là H[ậu h]iện đại [từ dùng của Nguyễn Hưng Quốc]. Nghĩa là nó còn nằm ở khu vực “giữa”.
Tôi trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô, số 4200, 6-9-2014:
“Lâu nay, ngoài thiếu tư thế tự do và hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho… phê bình [không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng] là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/ chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết dù khen hay chê thiếu vật chứng ấy sinh ra bao hệ lụy.
Quá nhiều bài thơ “dở tệ” được gán cho hậu hiện đại, từ người làm ra chúng cho đến kẻ đọc phải chúng, có! Ừ, thì cứ thu nhận chúng vào kho thơ hậu hiện đại…
Nhưng, thế nào? Đâu phải cứ Hậu hiện đại là hay!
Thời Thơ Mới, Hoài Thanh đã phải đọc cả vạn bài “thơ mới” để chọn ra hơn trăm bài “hay” đưa vào Thi nhân Việt Nam-1942. Nghĩa là ông đã loại bỏ 98,6 bài [thơ giông giống thơ “mới”, thơ “mới” không hay, chưa đạt] để lấy một bài thơ mới hay!
“Các nhà thơ Hậu hiện đại Việt, tôi đã làm thao tác vứt bỏ rất nhiều để lưu lại những cái đáng lưu. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị hợm, “dơ dáy”, “tục tĩu” [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào dòng Hậu hiện đại để phán xét Hậu hiện đại. Chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì càng” [hết trích].
Trích Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006:
“Một hiện tượng văn chương bất kì, không thể bị giập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở trọn vẹn qua chính sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó”.
Mỗi trào lưu nghệ thuật hay triết học được dựng lên để bị/ được vượt qua.
Vượt qua Lãng mạn bằng phê bình tác phẩm ưu tú nhất của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư. Trường Siêu thực, Tượng trưng, vân vân cũng hệt. Đó là “cuộc chiến trên những đỉnh cao” – theo cách nói của Heidegger, những cuộc chiến làm giàu sang tinh thần nhân loại. Chứ không phải đả kích mang tính bè phái, cục bộ.