Chuyện thơ-20. THỜI ĐẠI KHÁC, THƠ KHÁC

[Văn học Việt Nam ở đâu?-2 & 3]

Thời đại khác, thơ khác, lối đọc thơ cũng cần khác – Inrasara.

“Hồ sơ biên bản so sánh” [Vanviet, 2015] bày ra tang chứng thơ của 3 thế hệ và [qua] 3 hệ mĩ học khác nhau nhằm làm bật lên sự khác biệt, để biết cái mới ĐÓNG GÓP CỤ THỂ ở đâu, như thế nào.

Đậm nhất Việt Nam thế kỉ XX, là chiến tranh, chứ không gì khác. Nó được văn nghệ sĩ và văn nhân nhìn nhận thế nào, thể hiện ra sao, là điều không thể không bàn.

Chiến tranh,…

Pham Tiến Duật: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”; Trịnh Công Sơn: “Thịt da này dành cho thù hằn, cho bạo cường, cho tham vọng của một lũ điên”; Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi”.

Ba tâm thế và thái độ hoàn toàn khác nhau.

Chiến tranh thì có tù, trong tù và sau tù…

Trong tù, nếu các thi sĩ chiến sĩ coi đó như lò luyện ý chí đấu tranh; thì Tô Thùy Yên non mười năm ngồi tù suy ngẫm phận mình cùng cảm thông nỗi người trong tâm thế giải sân hận; còn Hoàng Hưng “lơ láo tù về lạc thế kỉ” nỗ lực hội nhập dòng sống đương đại.

Họ thể hiện trong thơ khác nhau cả vực thẳm.

Chiến tranh thì không thể thiếu… đĩ [xem Inrasara, “Thế đứng của đĩ Việt Nam”]

Thời kháng Pháp, trước thân gái bán hoa, Xuân Diệu vẫn dành cho ngôn từ sang trọng, thi ảnh đẹp, nghĩa là rất nên thơ:

Khách ngồi lại cùng em đây gối lả/ Tay em đây mời khách ngã đầu say

Còn Tố Hữu lãng mạn cách mạng mơ về một ngày mai tươi sáng:

Ngày mai bao lớp đời nhơ/ Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay

Nhưng rồi có sáng tươi đâu nào! 20 chiến tranh Việt Nam – thế đứng của đĩ Việt Nam vẫn cứ thế, và còn hơn thế. Nguyên Sa hiện thực trần trụi:

Em đứng lẫn bên góc hè phố vắng

Nghe đêm tàn làm lạc khách tìm vui

Đôi tiếng giầy khua vẳng tắt xa xôi

Làm vỡ nốt cả đôi niềm tin tưởng

… Đêm gần tàn em ơi người gái đĩ…”

30 năm hòa bình lập lại, Bùi Chát hậu hiện đại còn kinh nữa. Không từ trên cao ngó xuống hứa giải phóng gái ăn sương, hết từ ngoài nhìn vào để cảm thông phận gái làng chơi, mà LÀ làm một với đĩ, “là chuột dưới cống”…

Bùi Chát

ĐÂM JA

Tôi lém lước bọt nên tường

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè

xách không nàm tôi tốt hơn                    mỗi khi chủ nhật

tôi nhìn tôi bay chên chời

tôi hành hạ tôi ba bữa

tôi đâm ja

tôi cêu đòi chữ ngĩa

tôi tổ chức chiến chanh

tôi lam mô vị chúa chời

tôi đánh jăng buổi sáng

tôi đâm ja

tôi cải tạo âm hộ

tôi                   một tờ jấy ni hôn

(Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, Giấy Vụn, 2003)

Chuyện thơ-21.

[Văn học Việt Nam ở đâu?-3]

Do ta không biết ta ở đâu, thế nên “ta là ta mà ta cứ mê ta” (Nguyễn Duy). Mê, và ngồi lại ao nhà trong vùng trũng văn học Đông Nam Á.

Nhớ, lần trao đổi với “triết gia” Việt nọ, anh kêu mình [đang lên] số 1 châu Á. Tôi hỏi, chớ bạn đọc các nhà “triết học” tiếng Việt hết chưa? Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn-Quỳnh, giữa các tên tuổi đó, bạn đứng ở đâu? – Lúng túng và, lúng búng. Đó là câu hỏi còn chưa được đẩy đi xa hơn: Triết học Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ hiện đại, đâu là các khuôn mặt lớn? Bạn đọc họ đến đâu?

Trong khi tầm hiểu biết về triết học như Bùi Văn Nam Sơn đã rất khiêm tốn khi nói, đại ý: Công việc của tôi còn có lợi ích cho Việt Nam trong 40-50 năm nữa thôi [sau đó thế hệ mới sẽ “vượt qua”].

Văn học Việt Nam đang ở đâu?

Khi tự thức “self-consciousness” thấy mình đang trong vùng trũng ĐNÁ, quay lại HTX chữ nghĩa nhà, nhìn và biết mình “tự tri” – toàn cảnh và cận cảnh. Bởi văn học Việt Nam hôm nay dẫu còn nhỏ và yếu, nó không chỉ tồn tại ở cánh đồng chính thống, mà bao gồm nhiều cánh đồng khác tưới tiêu bằng nhiều dòng nước khác: Trung tâm và ngoại vi, trong và ngoài, chính thống và phi chính thống, văn học miền Nam trước 1975, vân vân.

Nhà văn Việt Nam có thể vượt qua mình để có thể lớn không?

Khi đã ý thức thẳm sâu đám ruộng nhà trong HTX chữ nghĩa làng, ao nhà trong vùng trũng khu vực, nhà văn bạn trẻ có thể không…

Làm nhà văn nêu lên được tinh thần cốt tủy của dân tộc, hay lớn hơn – thời đại. Tinh thần tư tưởng đó được mở rộng tối đa, đẩy đến cùng, thể hiện qua nhiều thể loại và bằng nhiều cách thức và hình thức khác nhau. Sáng tạo hay khai triển kĩ thuật mới ảnh hưởng đến lối viết của người cùng thời. Cuối cùng, bạn dám là trí thức mà tiếng nói được công chúng tin tưởng, và chờ đợi.

Ngoảnh lại… Như một cây bút lớn, chưa có nhà văn Việt Nam nào có thể gọi là tác động đến thời hiện đại mang tính toàn cầu. Kẻ tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo và con người dấn thân hội tụ trong một cây bút xuất chúng, chưa một nhà văn Việt Nam nào đạt tới lưng chừng tầm đó.

Xét từ góc độ nhà văn “thuần túy”, ta vẫn chưa. Ở Việt Nam chưa ai phát kiến nghệ [kĩ] thuật độc đáo ảnh hưởng lan rộng như James Joyce, W. Faulkner.

Hơn nữa, một nhà văn lớn thật sự đòi hỏi độ dày của trang sách, thậm chí rất dày – ta vẫn chưa [cũng có, nhưng đó chỉ là cách góp công tàn phá rừng].

Xét các tiêu chí trên, Albert Camus là nhà văn toàn diện. Ở tầm hẹp hơn, A. Solzhenitsyn nói lên vấn đề lớn của dân tộc, đất nước mình, rộng ra – thời đại mình. Họ nói tới cùng mà không cần dòm trước ngó sau, không kiêng nể hay hãi sợ, và chấp nhận trả giá.

Còn Jean-Paul Sartre, bên cạnh triết gia [hiện sinh] cùng các tác phẩm kịch và tiểu thuyết để thể hiện tư tưởng kia, ông còn là một nhà trí thức hàng đầu. Bộ Situations [Gallimard xuất bản, 7 tập] cho thấy sức làm việc ghê gớm và tầm hoạt động bao quát của ông.

Ở Việt Nam, hôm qua – có nhà văn nào làm được như thế?

Ngày nay, các nhà văn được cho là trẻ đang ngồi tại đây, rồi từ hội trường sang trọng này, các bạn sẽ viết gì, nói gì, làm gì? Hay chỉ có thể “được quyền nghĩ những điều đã ước” (Mai Văn Phấn) – như lớp đàn anh, chị?

Đẩy tới: Nói những điều đã nghĩ, làm những điều đã nói – tại sao không?

_____

Về tác phẩm của Inrasara có thể tham khảo:

Bà con, đồng bào, đồng chí và các bạn có thể tham khảo thêm, 7 tác phẩm đã in và 3 bản thảo:

1- Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2006

2- Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2008

3- Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, tiểu luận – phê bình, NXB Thanh niên, 2014

4- Nhập cuộc về hướng mở, tiểu luận – phê bình, NXB Văn học, 2014

5- Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, 2015

6- Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

7- Văn chương tan rã, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019

8. Thơ Việt sau hậu hiện đại – tổng luận & giới thiệu 24 khuôn mặt thơ, bản thảo-2016

9. 19 Khuôn mặt thơ dân tộc thiểu số Việt Nam – tổng luận & giới thiệu, bản thảo-2017

10. Từ sa mạc chữ đến đô thị văn chương, bản thảo-2019.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *