[Đối thoại hơi bị quan trọng về công vụ của tôi với Cham]
“Mọi người về làm việc của mình đi…” – là lần đầu tiên ông xin được phép nói trước công chúng, để không bao giờ nói nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông “nhăn”!
Vài người nghĩ ông ham nổi tiếng, khá bậy. Chẳng “làm” gì cả, là điều tối ý nghĩa của đời ông. “Con cứ đi thôi… tu cho đến chết”, như ông nói. Ông sống “triết lí” của mình [theo lời Phật dạy], như Sokrates, như… tôi.
Tôi làm thơ, viết phê bình có triết lí. Tôi sống có triết lí, ngay từ khởi đầu, và xuyên suốt bất thối chuyển. Khác người, thế nên mới nhận vài biệt danh: “Thằng Trạm mát” [người Chakleng đặt], “Krat” [yut ĐNgTh.], “Vĩ đại” [BĐTr.]…
Mời bạn facebook đọc đối thoại mới nhất, sau:
– Không hiểu mi nữa, mi là nhân vật của công chúng lại vô cùng thiếu thái độ quần chúng.
– Biết rồi… Xưa nay mình vẫn thế mà, chỉ làm những gì người khác không thể làm. Yut cũng đã biết, hôm nay sắp đặt lại nhé:
Hồi nhỏ mẹ kêu đi giúp làm rạp đám, tôi đến và đứng trơ ra đó. Cha bảo: Phụ mọi người một tay đi ‘Klu’. Tôi nói ‘yăng’ xem có cái gì các anh không làm được, ‘yăng’ làm. Rồi cũng có chuyện để làm: Viết hàng chữ ‘Akhar thrah’ cho đám.
Ở Ban Biên soạn, khi ấy tôi 25 tuổi, sưu tầm được khối tài liệu cực quý về ngôn ngữ và văn học. Tôi muốn tặng hai bạn Cham, để rảnh rang “làm điều không ai làm được”: Sáng tạo và Luận. Hai bạn từ chối, tôi thành nhà nghiên cứu bất dắc dĩ [đã kể].
Sống Sài Gòn 34 năm, tôi dự sinh hoạt Hội Đồng hương Cham vỏn vẹn 2 lần. Anh chị em cứ nghĩ tôi giận dỗi ai đó, có đâu! Bên UNESCO Cham cũng thế, nhận giấy mời mấy bận, tôi cứ im im, dù tôi chưa hề thấy nơi ấy.
Đám cưới con gái bạn, nhà mới nữa – vô số, hiếm khi có tôi ở đó. Bạn thân mất, tôi không; đám tang bạn cũng không luôn. Tôi nói đùa: Tôi lo cho sự sống, còn nỗi chết đã có nhiều người lo rồi. Không đi đám các loại, ngược lại mỗi khi bạn bị nạn hay bị oan, tôi là người đầu tiên có mặt.
Tôi biết một vị “trí thức” Cham “đám nào cũng có ổng”, lấy cảm tình công chúng đáo để, nhưng rồi cả đời có làm được gì cho cộng đồng đâu, hén!
Chuyện này to hơn, và rõ nhất.
Như để có đám lễ tốt, Cham cần “Tam tạng” là: AGAL Kinh, XAKARAI Luận và ADAT Luật. Phần Luật [tập tục nói chung] dễ nhất, nhiều “thầy” và công chúng lo được. Phần Kinh thì có ‘Halau janưng’ chức sắc lo. Riêng mục LUẬN là khó hơn cả, hiện chưa có Cham nào minh giải, tôi “làm cái người khác không làm được” này [tút: “Công vụ của Luận sư”]. Một sự phân công rất rõ ràng, tránh giẫm chân nhau.
– Yut còn ý kiến gì khác nữa không? – tôi hỏi.
– Dẫu sao mi cũng nên ghé qua chút chứ.
– “Một chút” được thì sẽ có “nhiều chút” rồi vô số chút, còn đâu không gian cô độc cho SUY TƯ, thời gian cô đơn cho VIẾT & LUẬN…