POWER POINTS

Diễn, làm thế nào để thu hút công chúng ngay câu đầu tiên? Các buổi nói chuyện của tôi, tuyệt không có nỗi buồn ngủ hay một ai bỏ ra ngoài, ở đó. Sau đây là 10 phát ngôn.

[1] Buổi giao lưu Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, 2005:

Bóng đá Đông Nam Á chịu phận vũng trũng của thế giới đã đành, văn học chẳng có gì dính dáng đến thể tạng, ta vẫn cứ là vùng trũng, là sao?

[2] Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006:

Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả. Ta sáng tác cảm tính đã đành, ngay phát ngôn về nghề, nhà văn ta vẫn cứ cảm tính và tùy tiện mà nói.

[3] Hội thảo của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai: “Nhà văn và hiện thực đời sống”, 2011:

Chúng ta nói bám sát hiện thực, nhưng đâu là hiện thực lớn nhất vài năm qua, một hiện thực lay động tâm thức người Việt trên toàn thế giới? Không phải là Hoàng Sa – TS sao? Hỏi chớ, hơn 60 nhà văn có mặt trong hội trường này, ai đã động cập đến nó? Có ai không, ngoài Inrasara…

[4] Tại No Nukes Asia Forum – Taiwan 2019, trả lời báo chí, cái tứ với cách diễn lạ: “Chỉ có rác hạt nhân là vĩnh cửu” của tôi được xem là một trong vài phát ngôn cộm ở diễn đàn. Đâu cũng vậy, tôi luôn có phát ngôn mới, lạ mang tính điểm huyệt, buộc hội trường quay lại, hoặc… tỉnh ngủ, và lắng nghe.

[5] Tại Cà phê thứ Bảy về Hậu hiện đại, 2013:

Đọc bài thơ “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát, tôi cho đó là bài thơ hay nhất trong năm, thậm chí là lớn nhất. Thế là hội trường phải nín lặng chờ đợi tôi diễn.

[6] Tại Hội nghị lí luận phê bình của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, 2014:

Bùi Giáng là nhà thơ ngoại khổ. Vậy mà không ít người, cả nhà thơ lẫn dân làm lí luận phê bình đã sử dụng kĩ thuật lẫn tâm thái cũ tiếp nhận nó. Hỏng là không thể tránh. Phải là nhà phê bình ngoại khổ mới có thể tiếp nhận và minh giải được loài thơ ngoại khổ.

[Tiếc, Ban Tổ chức hẹn tôi phát biểu buổi chiều, đợi mãi rồi… hết giờ. Kẹt nỗi, là tôi cũng biết trước là nó ở mục hết giờ!]

[7] Trước 200 ngoài biểu tình dưới mưa trước căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, 2019:

Căn cứ quân sự, cần thiết. Không cần thiết là chuyện nó đang gây ô nhiễm môi trường, đang tàn phá đời sống chúng ta, ngày qua ngày.

Im lặng, hay là chết?

[8] Buổi nói chuyện về Minh triết Cham tại Đại học KHXH&NV, Hà Nội, 2015:

Việt Nam không biết học. Có, nhưng ta lo học vặt mà thiếu học lớn. Tiếp nhận văn hóa – văn minh Cham, người Việt học làm mắm và gì gì khác, chớ ba cái lớn của Cham: Dệt tơ lụa, kĩ thuật đóng tàu viễn dương, và nhất là nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm, tổ tiên Việt đã bỏ qua.

[9] Thuyết tại Đại học Fukushima Nhật Bản, 2019:

Nhà thơ, tôi chuyên lo làm thơ, dù nổi tiếng cỡ nào tôi chỉ mua vui cho bộ phận người thiên hạ. Là nhà nghiên cứu, dẫu xuất bản nhiều công trình lớn tới đâu, tôi cũng chỉ là chuyên gia. Chỉ khi tôi ấy lăn xả vào đời, hiểu và lên tiếng về vấn đề cộng đồng; tiếng nói tôi được cộng đồng chờ đợi và tin cậy, tôi mới là trí thức.

[10] Hội thảo về Thơ Đổi mới, Đại học Văn hóa 2016:

Thơ Đổi mới kết thúc khi Văn chương mạng xuất hiện. 15 năm đi qua, Hội Nhà văn với hơn ngàn Hội viên vẫn chưa làm nổi cái tổng kết để người đọc cầm lên một công trình để có thể nhận diện khuôn mặt thơ Đổi mới thế nào. Trong khi đó, thời Thơ Mới, phong trào chưa kết thúc, Hoài Thanh đã xong Thi nhân Việt Nam để đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *