[1] Tôi đã hai lần LÀM VỚI Cham:
– Năm 1984, ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi viết bài báo tường bàn về ‘lang likuk’ tiền tố, bị quý thầy xì xào. Ở phiên họp sau đó, tôi nói đó chỉ là ý kiến riêng, về mặt sư phạm quý thầy đúng. Thế là yên!
– Năm 1991, mở quán Tạp hóa ở quê, tôi phải vận dụng tối đa sự khôn khéo, nhân nhượng hết cỡ mới tránh mất lòng. Bởi quán tạp hóa tôi khi ấy thuộc hàng đầu Cham, dễ xung đột.
Thế nên sau khi nghỉ quán vào Sài Gòn, tôi đốt nguyên sổ nợ khoảng 5 cây vàng. Tháng sau Hani về tìm, tôi nói: anh đốt rồi! Để mọi người còn là bà con, anh chị em mình chớ không phải là con nợ của mình.
[2] Vậy thôi, để tránh xung đột quyền lợi, tôi…
– Năm 2010, Chakleng lên Làng nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cùng lúc Hani làm Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA. – “Để đón khách”, Hani bảo. Tôi nói: Mình làm đẹp làng và đẹp mình, tuyệt không bán hàng. Lấy tiền người giàu từ Sài Gòn, nước ngoài tiêu ở nhà quê, chứ không phải ngược lại.
– Chưa nói đến sáng tạo, ngay nghiên cứu, tôi cũng luôn đi trước và làm khác Cham về các chủ đề: Văn học Cham, Minh triết Cham, San định Kinh sách Cham, kể câu chuyện về Cham…
Không có sự cạnh tranh thì không xung khắc về tình, tiếng, tiền. Nhất là tiền. Tôi không xin, cực chẳng đã dính dáng đến tiền, tôi không cầm. Tuyệt đối, để GIỮ TƯ THẾ TRÍ THỨC.
[3] Tôi không làm với Cham, mà LÀM CHO Cham, như:
– Tổ chức đặc san Tagalau là “làm cho” Cham
– Lên tiếng các vấn đề xã hội là “nói cho” Cham
– Nhập cuộc cộng đồng giải quyết vụ việc là “làm giúp” Cham, vân vân. Thế nên không có sự xung đột xảy ra ở đó.
[4] Dù “không với”, tôi vẫn bị vài Cham tìm cách va quẹt. Làm gì?
– Một Cham hải ngoại chuyên gia xuyên tạc tôi, vừa đăng tạp chí vừa cho lên mạng. Tôi không đáp lại, cả trên đặc san Tagalau do tôi chủ biên cũng không luôn! Tôi chịu thua, để thắng.
– Năm 1991, bạn học qua quán tôi ở Chakleng, trước mặt anh SVN cùng vài khách cà-phê và cả vợ con tôi, bạn phê tôi nặng lời, đến nỗi sau đó SVN bảo: Cỡ ấy nếu là mình thì to chuyện rồi, sao Trạm nhịn được nhỉ. Đợi cho bạn hả cơn giận, tôi nhẹ nhàng hỏi: Bạn có gì bổ sung nữa không? Vậy thôi, về sau bạn biết mình lỗi, để rồi hai đứa vẫn là bạn bè.
Đó là chuyện thực tôi hay kể lại cho Cham làm bài học: ‘Ưn di janưk tôk siam…’ Một sự nhịn chín điều lành.