Làng văn Việt Nam mấy rày nẩy ra khối chuyện vui không cười nổi. Cuối tuần tạm ghi ra đây hầu bạn facebook, còn giải trí được hay không – tùy.
[1] Năm tôi lớp Ba, lính Mỹ về làng, bà dì tôi bảo: Mỹ đen thằng nào giống thằng nào, tay trung sĩ kia biết đàng nào mà kêu tên điểm danh hén. Hồi ấy tôi cũng hệt, thế nên rất nể ông bác hàng xóm chăn bầy dê, nhận ra ngay chốc đâu là dê nhà để lùa về chuồng.
Một nhà thơ kiêm quan văn xét nét thơ đương đại, rằng cái hạn chế của thơ trẻ là chúng giống nhau quá! Hệt bà dì tôi thuở ấy luôn.
Tôi nói có đâu, đó là do bạn chưa đọc nhiều, chưa có cái nhìn toàn cảnh. Đất Sài Gòn thôi, cùng thế hệ Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lê Thiếu Nhơn khác Bùi Chát. Còn cùng hệ mĩ học sáng tác, Lý Đợi khác Phan Bá Thọ khác Lê Vĩnh Tài.
[2] Một nhà thơ kiêm phê bình ác liệt hơn nữa, khi phán thơ ai đó toàn thơ Tây giả cầy, trong khi mình một chữ Tây bẻ đôi không biết. Không đọc thì làm sao biết, một khi không biết thơ Tây nó thế nào thì làm sao biết nó giả cầy xanh đỏ ra sao. Nữa, thơ Tây có muôn loài, đâu phải Tây nào cũng giống Tây nào.
Có thể dẫn tang vật ra tòa làm chứng: Pháp thế kỉ XIX: Rimbaud khác Lamartine khác Baudelaire, thế kỉ XX: Char khác Prévert khác S-J-Perse.
Không biết thì cứ tìm cột mà dựa, mới ngoan.
[3] Nhà phê bình được cho chuyên nghiệp hô to lên rằng người Việt học hậu hiện đại từ ngọn chớ không lên tận nguồn, lại lấy cái sai từ Nga. Mèng!
“Quảng bá” hậu hiện đại nhiều và đậm hơn cả, tôi biết có ba người Việt [sống và viết ở Úc]: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân; ba người Việt [Nam ở Sài Gòn] có Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu, Inrasara.
Hỏi chớ ai leo lên tận “ngọn” hậu hiện đại mà học? Và có ai học cái sai về hậu hiện đại từ Nga?
Bạn lượm nhặt đâu đó 1-2 học trò hậu hiện đại kém hay tay ngang vừa tạt sang rồi la làng lên rằng, người Việt không biết học, không biết tư duy thì… ô là là.
P.S.
Không thể cười nổi, là chuyện vui ấy lại được khối người có học tin nghe.