Giải trí cao cấp. INRASARA HỤT GIẢI THƯỞNG… NHÀ NƯỚC

Chuyển kể rằng, có nhà văn nọ mỗi mùa Nobel là mỗi ngồi hóng, hóng để rồi vỗ đùi đánh đét:

– Đù… lại hụt rồi!

Giải thưởng Nhà nước, tôi có hơi hơi hong hóng, chứ vỗ đùi kiểu trên, thì không dám. Sao gọi là hơi hơi? Sự thể như thế này… [Lưu ý: Tôi kể thiệt, chớ nghĩ Sara đùa dai].

[1] Hồi nào không nhớ, nhận hồ sơ từ văn phòng Hội Nhà văn, tôi có điền vào chỗ trống, nộp lên, và quên béng đi. Thế mà một sáng nọ, anh bạn văn nhắn tin: Inrasara hụt Giải thưởng Nhà nước rồi, đính kèm bài báo của nhà văn Dạ Ngân:    

“Có những tên tuổi nổi lên sau năm 1975, thiết nghĩ, đợt này, Giải thưởng Nhà nước không để ý đến họ là sự thiếu hụt của giải. Nguyễn Huy Thiệp với sự đóng góp cho thể loại truyện ngắn thời đổi mới. Nguyễn Quang Thiều, một trong những tác giả đổi mới thơ thành công. Và Inrasara, ngôi sao lấp lánh (trên văn đàn) không chỉ vì là người dân tộc thiểu số. Có dư luận trong đề cử là bình thường, nhưng bỏ sót nhiều gương mặt xứng đáng là không bình thường. Văn chương vốn khắc nghiệt, vì vậy định giá nó cần quang minh, công bằng” (báo Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam, 18-7-2006).

Báo Trung ương chớ chẳng chơi.

[2] Năm ngoái, lại một sáng nọ, nhà thơ Hữu Thỉnh từ thủ đô phôn, hỏi Sara nộp hồ sơ chưa?

– Rồi, anh à… lâu rồi…

– Sara gửi gấp cho anh cái được giải Hội Nhà văn đi, giải ĐNÁ nữa…

Tôi lục chỗ sách lưu, tìm Tháp nắngLễ Tẩy trần tháng Tư gửi đi.

Rồi, cũng chả nhớ ngày tháng nào, nhà thơ Cham thế hệ mới tút mừng Inrasara đoạt giải thưởng Nhà nước. Miệng người đã lắm tin nhà thì không. Mấy hôm sau gặp ở cà-phê, tôi hỏi, chàng nói như vôi quệt tường: Cháu có nguồn tin đặc biệt…

Ui, hô thế không khéo có kẻ ghét Sara méc trên:

“Tay này ghê lắm, hắn còn viết gì nữa không ai đoán được đâu”. Nhốt lầm còn hơn bỏ sót. Kẻ nữa kêu:

“Hắn nhận giải “ngoài lề” bên Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, rồi giải Văn đoàn Độc lập cánh “phản động” nữa… cứ để hắn cắt khẩu, chả muộn”.

[Mỗi Đỗ Hoàng, Đông La méc thôi, cũng đủ tiêu rồi!]

Ngưng tại đó đâu – ở tút trên, ông anh nhà thơ danh tiếng ghé vào còm: “Nhận giải thưởng Nhà nước, Inrasara làm sang giải này chớ ông có được gì thêm”!

Kiểu ấy, ba ba nhập một – chắc chết, và chết chắc.

[3] Về nhà thơ thế hệ mới ở trên, năm nào chả nhớ, khi không nổi hứng tút hô nhà văn Việt Nam, Inrasara xứng đáng Nobel nhất. Nữa, nhân vụ cô Hoa hậu Êđê được Đak Lak đón tiếp rềnh rang, chàng lại tút: Tỉnh Ninh Thuận mắc nợ Inrasara về Giải thưởng ASEAN. Ý là Ninh Thuận cần đón Sara như đón… hoa hậu!

Thương nhau thì lại bằng mười phụ nhau, là thế.

Vụ S.E.A Write Award, đã kể kĩ và lâu rồi, ôn lại. Tại Bangkok, Đài TH Việt Nam hỏi: Tỉnh sẽ tổ chức đón nhà thơ như thế nào? Tôi nói: Sara vào Hội Nhà văn, không ai biết; nhận Giải thưởng Hội lần nhất, không ai hay, thêm lần hai, chả ai đón. Bận này cũng như trên, chắc thế.

Lạ quá!

[4] Tôi nhận hơn 20 giải thưởng đủ loài, không nộp bản, không hồ sơ. Tác phẩm ra, đâu thấy hợp thì cho. Có chỗ tôi được hỏi ý kiến trước, tôi ok, họ mới quyết, văn minh phong vận rất mực. Ngược lại, mỗi bận tôi “nộp” là mỗi bận… hụt. Ba lần:

Song thoại với cái mới-2008, đang trưa nắng, tôi nhận phon từ Hội Nhà văn.

– Nghe nói Inrasara vừa ra cuốn phê bình hay lắm, sao không thấy trong danh sách?

– Sara có dự thi đâu! – Tôi trả lời.

– Anh cho người gửi gấp ra đây 5 bản đi, mai Hội đồng xét giải rồi.

Tôi phon đến anh Thắng Kiến Thức mang qua, để rồi… hụt. Sau, anh Trần Đình Sử méc, được có mỗi phiếu của tôi!

Nhập cuộc về hướng mở-2014. Họp BCH Hội DTTS, nhà thơ Mai Liễu kêu:

– Năm nào Sara chả in sách, ổng chê giải Hội này chớ…   

Nghe xúi dại, tôi “nộp” thử, để rồi… hụt. Chủ tịch Bình quá đỗi ngạc nhiên. Sau – tin hành lang, rằng ông giật bao nhiêu giải hết thơ đến nghiên cứu rồi, còn đòi cả giải phê bình nữa, thế nào được! Cuối cùng là vụ giải Nhà nước.

Thế nên… tấm lòng ham hố từ nay xin chừa.

“Dớp hồ sơ” kiểu này, ví mà bên Nobel nổi hứng bảo tôi “nộp”, tôi cũng xin chừa luôn. Cho thì nhận, không thì thôi. Như hồi Giải thưởng Vanviet ấy, tin đưa ra, hai quan [quen[ trên từ Sài Gòn lẫn Hà Nội phon “Inrasara đừng nhận, không có lợi cho anh đâu”. Tôi bảo, tôi có viết cho họ đâu, mà cho chung. Họ trao, tôi nhận và cảm ơn. Thế thôi. Chả ai nợ nần ai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *