[hay. Thế nào là tinh thần công chính?]
Khi cha bị công phá, dẫu oan tới đâu, con có nên nhảy vào bênh vực không? – Tuyệt đối không! Tôi không muốn và không khuyến khích mấy đứa làm chuyện đó. Thành phe cánh rồi còn gì…
Năm ngoái, một bạn Cham thế hệ mới giữa đám đông, nói tỉnh bơ, còn cho đó là hay nữa, rằng dù không ưa nhau, nhưng khi đụng chuyện, anh em Cham chúng tôi vẫn bênh vực nhau.
Lạ! Lẽ nào phe ta sai bậy ta cũng bênh. Nếu thế, thì đâu là tinh thần công chính.
[1] Xin nhắc lại chuỵện cũ.
Hồi năm 2006, lên tiếng về vụ KMV trên Chamyouth ở Mỹ [tôi là 1 trong 2 người lên tiếng], anh chị em Cham kêu: Cái ông Việt kia cho xe bò đầy củi cán qua thanh niên Cham bị thương nặng, ông lại nói này nọ để bênh người Việt! Tôi hỏi:
– Bà con có hồ sơ bệnh án không? Nếu không, có biên bản sự vụ không?
– Chuyện rành rành cả làng Cham đều biết, mà ông còn hỏi…
– Bình tĩnh nhé! Cả làng Việt bên kia sẽ nói ngược lại cho mà coi. Chớ nếu ra tòa, bất cứ ở nước nào, bằng chứng là đòi hỏi đầu tiên, ta không có gì trong tay, thì lấy gì mà xử!
Phía “bên kia”, một bạn văn ở Hà Nội kêu:
– Đập phá hư hại 99 căn nhà, phải xử nghiêm thôi.
– Này nhé, non trăm người toàn phụ nữ và trẻ em [học sinh cấp 2] tay không với cây gậy, hỏi trong tiếng đồng hồ có thể làm “hư hại” 99 căn nhà xây không? – tôi hỏi, – bạn động não tí đi, vấn đề sẽ lộ rõ ngay.
[2] Dẫu sao tôi vẫn có bênh Cham!
Hai bạn thơ Cham làm hồ sơ vào Hội Nhà văn. Tầm thơ: 1=7điểm, 1 = 6,5điểm. Tôi cất lá phiếu cho cả hai. Dù “không ưa”, tôi vẫn làm thế, để có đồng đội về sau. Nữa, tôi vẫn biết “sợ”, khéo bị bà con kêu Cham đì Cham.
Tôi làm thế, bởi vụ này không chết ai. Vậy mà trớ trêu thay, nhà 6,5điểm khi bị rớt đàì, đã hô bị tôi đì. Trong khi ở đợt 1, tôi là thành viên duy nhất bỏ phiếu cho!!!
[3] Về văn chương, tôi là người ủng hộ và xiển dương cái mới, Tân hình thức và Hậu hiện đại là một. Tuy nhiên tôi không cứ một mực tụng ca, mà đầy công chính.
Tân hình thức, tôi vẫn “chê” cái chưa tới của phong trào thuần nghệ thuật này [xem, Inrasara: “Về đâu, Tân hình thức Việt?”, 2012]
Nhập cuộc Hậu hiện đại hết mình: Làm, phê bình, xiển dương, luận chiến, tôi vẫn tỉnh táo nhận ra vài bất cập ở trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu này. Hậu hiện đại đi qua, tôi rút ra cho mình 3+1 điểm trọng yếu bất khả phản bác. Xem “Inrasara, Suy tưởng-10”:
– Tư tưởng phi tâm hóa: Đạp đổ mọi bức tường phân biệt đối xử các loại, nam hay nữ, đa số với thiểu số, trung tâm với ngoại vi, Tây hay ta…
– Tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Chỉ khi nào làm được điều này, nhân loại mới hi vọng học biết tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình.
– Hành động với phương châm: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.
– Cuối cùng, hậu hiện đại dạy ta biết cười. Cười… hậu hiện đại.
(Nói chuyện tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Vĩnh Phúc, ngày 19-12-2022)