“Tôi xem mỗi Cham như một sinh linh sống sót đầy thương cảm” – Inrasara.
Cả tôi cũng không ngoại lệ! Thế nên khi hôm nay Cham được to cẳng cồ vai thế này, ta không thể không nói lên lời tạ ơn.
[1] Thế hệ ông bà hậu đại khủng hoảng, cần biết ơn đầu tiên. 5.000 sinh linh yếu đuổi trở về, rách nát, buồn tủi và đầy chịu đựng – để có tôi hôm nay.
Các nhà nghiên cứu Pháp đầu tiên đã khai vỡ tầng vỉa để làm lộ thiên một phần nền văn hóa văn minh một thời huy hoàng đang bị vùi lấp dưới lớp bụi thời gian và kí ức suy tàn của con người.
Aymonier, Cabaton, Maspéro, Parmentier… Lịch sử và ngôn ngữ, chữ viết, Kiến trúc & điêu khắc…
Dù chưa được thẳm sâu và toàn diện như họ từng làm với các dân tộc Cao Nguyên, qua vài mảnh vụn góp nhặt kia, Cham cũng lờ mờ nhận ra được khuôn mặt của mình.
[2] Tiếp đến là các nhà nghiên cứu Nghiêm Thẩm, Dohamide, Trung tâm Văn hóa Chàm với cha Moussay cùng cộng sự, Thiên Sanh Cảnh và Nội san Panrang, ông bà Blood… Qua các tổ chức và con người này, chân tướng Cham dần hiển lộ sáng rỡ hơn.
Kế đến không thể không nói lên lời tạ ơn Trường Trung học Pô-Klong với thầy Thành Phú Bá, anh Quảng Văn Đủ, thầy Lưu Quang Sang, thầy Nguyễn Văn Tỷ, thầy Jay, thầy Từ Công Phú và nhiều vị khác nữa, đã hun đúc tâm hồn và trí tuệ cả một thế hệ Cham.
Cho Cham biết mình là ai.
[3] Rồi khi đất nước thống nhất, các nhà chuyên môn: Ngô Văn Doanh, Trần Kỳ Phương, Bùi Khánh Thế, Hải Liên, Phan Quốc Anh, Đình Hy… cho ra mắt hàng loạt công trình, thổi luồng sinh khí mới vào nền văn hóa này.
Và cả thế hệ nghiên cứu Cham tài năng nhiều tâm huyết nữa.
Cần nói lời cảm ơn, bởi “Tạ ơn làm cho ta lớn lên”!