[Tôi đã 3 lần thua thảm thế nào?: Học, buôn bán, thuyết trình]
Hồi chưa chơi facebook, kể các kinh nghiệm của mình, nick Tao Lao kêu: “chỉ toàn nghe ông giỏi, ông thành công, sao không thấy thất bại?”, và vài lần lặp lại. Tôi mới đùa, dại gì! Lẽ nào ông Inrasara lại đi nói xấu mình, còn bạn muốn đọc cái dở tệ của tôi thì cứ qua nhà Champaka tham khảo, bên đó đầy ra!
Mình nghèo hèn hay thất bại, tâm lí chung là giấu, tôi – không. Chuyện đã kể, ở serie này, nhắc lại làm bài học.
1. Học, tôi luôn ngôi sao sáng, suốt Tiểu học, vậy mà thi lên Trung học, rớt cái tõm! Xấu hổ không biết cất vào đâu. Mẹ la, đòi bắt ở nhà chăn trâu. Ông thầy không muốn nhìn mặt học trò kưng, ông anh họ giận ơi là giận…
Sao lại ra nông nỗi?
Tôi chả hiểu thi tuyển là gì, không ai nói cho tôi biết luôn. Vừa nghỉ Hè, là ném hết sách vở vào một xó, bán cà-rem, đá banh, câu cá đến ngày đi thi – “sờ bụng chàng không một chữ gì” – rơi đài thì không lạ.
Qua vụ sụp hầm đó, tôi tuyệt không cho phép mình bị đòn kiểu này lần nào nữa.
2. Năm 1990, khác bà con Chakleng cứ gùi thổ cẩm lên xứ Thượng, chúng tôi gồng gánh cả gia đình vào Nam. Chưa qua năm, thất bại te tua, cả nhà qui hồi cố hương – trắng tay. Ngôi nhà đã bán, Haly bị tai nạn xe nằm nhà thương, phải làm lại từ đầu, tệ hơn nữa, từ con số âm.
Thấy người ăn khoai vác mai đi đào, trong khi mình chưa có abc kiến thức kinh doanh buôn bán. Học theo Gide, tôi mở banh VẾT THƯƠNG ra, cho nó đau hơn, rồi mang sự thể ra phân tích, rút ra bài học:
[1] Buôn bán dù nhỏ lẻ tới đâu cũng cần nghiên cứu, biết rõ mới làm.
[2] Thổ cẩm là mặt hàng thủ công mĩ nghệ, muốn giàu chỉ có thể bán cho người giàu, càng giàu càng tốt.
HỌC từ thất bại của chính mình, tôi đã thành công – thành công lớn.
3. Chuyện văn chương chữ nghĩa
Cuối năm 2005, Phạm Quốc Ca mời tôi lên Đại học Đà Lạt nói chuyện về thơ. Trăm sinh viên cả thảy, thêm sinh viên Đại học Qui Nhơn lên. Ồn quá chợ quê, thơ với ca làm sao cơ chứ!
Hơn tiếng đồng hồ, chẳng nhớ ở đó tôi đã nói gì nữa, chỉ biết có vỗ tay và tặng hoa, như thể ngôi sao ca nhạc ấy. Đại bại đến không đàng nào gỡ.
Nhận lời mà chưa biết hội trường lớn bé ra sao, số lượng người nghe bao nhiêu, và cả đối tượng thế nào nữa. Về khách sạn, trằn trọc hồi lâu, tôi quyết: CHỚ HAM ĐÔNG, khách thính thơ trên dưới 50 là vừa.
Thêm năm 2007, được mời thuyết về phê bình cùng hai vị khác do Hội đồng Anh tổ chức tại Sài Gòn. Ngô Thị Kim Cúc và Nguyễn Thanh Sơn nói hết bài, đến phiên tôi – như thói thường, chơi nửa bài, không gút không kết, ý định dành cho câu hỏi.
Ai dè, trận ấy Trần Mạnh Hảo giành mi-crô đến MC chạy quanh hội trường mãi mươi phút mới thu lại được. Buổi nói chuyện thành vụ cãi vã chẳng đâu vào đâu. Thua thảm hại!
Tôi quyết, chỉ nói chuyện văn chương khi chính tôi là CHỦ TRÒ.
Rút ra BÀI HỌC từ trận thua thảm ấy, tôi tự kiểm, học – và đã chơi ngon lành. Tôi không còn thất bại lần nào nữa, từ ấy.