Sokrates: Bộ óc lớn thảo luận về ý tưởng, kẻ trung bình bàn luận về sự kiện còn tâm hồn non yếu chuyên thị phi về con người.
Khác với Cafés in Paris, ở Việt Nam – tôi nói vui, đa phần nhà văn ta gặp nhau hiếm khi việt vị khỏi 3 thứ: Chê bai [chứ không phải phản biện người] chính quyền, nói xấu nhau [kẻ vắng mặt là chính], cuối cùng quay lại chuyện đời tục lụy.
Thị phi ác khẩu đã đành, ngay cả khi ta nghe và tin kẻ thị phi, ta thành tòng phạm. Do sự tò mò của thứ tâm hồn suy đồi, cả bởi yếu đuối của ta nữa.
Khoái, ta gật gù như thể khích lệ kẻ thị phi, để được nghe thêm. Hứng, kẻ kia được trớn hư cấu và thêu dệt, đến vô cùng. Yếu đuối, dù không tin ta cũng không dám đưa ra câu hỏi:
– Có thật thế không, bạn có thể nói vụ này trước mặt anh ấy không?
Mươi năm trước một “trí thức” Cham nọ bị “trí thức” Cham kia viết tố. Nghe tin, giữa trưa ông hú thằng cháu chạy ra phố in ra cho ông đọc. Đọc, ông giận không biết cất vào đâu.
Phần tôi, kẻ được cho là nhân vật của công chúng, chuyện thị phi thì bát ngát. Bài viết nào đó tình cờ đến tay, lừ đừ như ông từ vào đền, tôi chậm rãi đọc, e-hèm, hứng thì đính chính hay giải minh rồi… cất. Không website, không facebook, nếu đó không làm nên bài học cho chúng sanh! Tôi nghĩ họ đang bàn về ông Inrasara nào đó chớ không phải tôi – là xong.
Còn lời nói gió bay, tôi dặn người thân quen, con cháu trong nhà đừng hót lại bất cứ chuyện gì người ta nói về tôi. Hà cớ mình phải dằn vặt, đau khổ vì ý kiến ai đó về mình, mà đau bao tử?
Tạm kết bằng “Bộ lọc của Sokrates”.
Chuyện kể, một đồ đệ chạy đến báo với triết gia rằng, bạn của thầy vừa nói với em về thầy với ác cảm lớn. Sokrates ngăn lại: Này nhé trước khi mi kể, hãy trả lời ta 3 câu hỏi:
– Chuyện đó có là sự thật không? – Dạ, em không chắc nữa, em chỉ nghe nói.
– Vậy tin đó có ích lợi gì cho tôi không? – Dạ, chưa hắn, đó chỉ là câu chuyện.
– Nữa, chuyện mi sắp kể có tốt đẹp về người bạn tôi hay không? – Cũng không ạ.
– Vậy thì mi đừng kể, Sokrates kết.
Sự thật, lòng tốt và sự hữu ích là ba bộ lọc của Sokrates. Theo triết gia, đây là 3 câu hỏi cốt tủy mà mỗi người phải “uốn lưỡi” tự vấn trước khi nói điều gì đó.
Nhất là nhà văn… Việt Nam.