Thương ca vô tận-22. THƯƠNG NHÀ THƠ VIỆT NAM

Hồi bé tôi rất nể ông láng giềng Kadhar Gam Muk quản trăm con dê, mãi thắc mắc làm sao phân biệt được dê nhà để tách đàn khi chúng lẫn vào đám khác. Hệt mùa Xuân 1969, một tiểu đội lính Mỹ ghé qua làng, bà nhà quê kêu: Ba anh trắng thì được, chớ làm thế nào biết được mấy anh đen kia ai là ai, mà gọi nhỉ.

Đi nói chuyện các nơi về thơ, đến tiết mục hậu hiện đại, tôi hay đọc 3 bài thơ: “Lê Dũng nói…” của Lê Vĩnh Tài, “Cut” của Lê Anh Hoài, và “khóc văn cao” của Bùi Chát để minh họa.

Cận Tết 2006 ở Hội VHNT Hải Phòng, đọc đến “khóc văn cao” với 6 ấm “anh văn ơi/ hu hu hu”, tôi nói đây là bài thơ hay và lớn nhất trong năm, một bạn đùng đùng bước ra ngoài. Sau đó ngoài hành lang khi nghe tôi giải minh, bạn nói: Nhà thơ giải thích hay lắm, thuyết phục lắm, nhưng tôi vẫn thấy nó không hay ở chỗ nào. Tôi nói:

– Đó không là lỗi ở bạn hay tác giả, mà ở Chương trình Đại học Việt Nam.

Ngoảnh lại, Huỳnh Thúc Kháng không chịu được Thơ Mới, Tố Hữu thì chê chớ Xuân Diệu kêu thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng cùng, Trần Mạnh Hảo không thấy thơ Nguyễn Quang Thiều hiện đại hay ở đâu nên gán bừa cho nó là “toàn Tây giả cầy”, còn rất nhiều nhà thơ hôm nay kêu thơ hậu hiện đại của Đinh Linh không phải là thơ, nói chi hay với dở!

[xem: Inrasara, Song thoại với cái mới-2008]

Cũng không lỗi ở các ông, mà do nhà trường không dạy cho biết các trào lưu văn nghệ mới đang diễn ra ngoài kia.

Chuyện Tôn Ngộ Không giết cường đạo bị Đường Tăng đuổi đi, lỗi ở Đường Tăng thì ít, ở Ngộ Không nhiều hơn. Tại sao? Bởi anh chàng không giải thích rành mạch để thuyết phục sư phụ và bạn đường hay đó là loài quỷ. Rõ hơn, chưa khiến họ mở mắt thấy sự thật.

Trở lại chuyện thơ Việt Nam.

Không hiểu hay hiểu sai, không phải do tài năng, mà bởi khác biệt về HỆ MĨ HOC sáng tạo. Bạn ngồi lô-cốt hệ mĩ học cũ, đọc sáng tác thuộc hệ mĩ học mới, không hiểu thì không lạ. Không hiểu mà ham hô TO, mới phiền.

Khi đã có người nói cho biết, mà vẫn cố thủ, càng phiền hơn nữa.

Không đáng thương sao?

[xem: Inrasara, “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương tặng thưởng Tác phẩm hay trong năm 2009].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *