Thương trường là chiến trường – nhiều người cho là thế, tôi thì khác.
Chiến thì có sự loại trừ, triệt tiêu, thắng thua. Tôi coi buôn bán là khoa học vừa là nghệ thuật. Phiêu lưu, sáng tạo làm ra cái mới lạ. Để rồi, thành quả hay ý tưởng từ sáng tạo kia, trở lại giúp mọi người cùng thắng.
Chuyện buôn bán của tôi thế nào đã kể, tút này tóm và rút ra bài học.
4 nguyên tắc
[1] Nguyên tắc đầu tiên: KHÔNG NÓI DỐI.
“Không biết nói dối không buôn bán được. Cứ giữ thật thà thì không ra ngoài được”, ai nói thế? Tôi: không, và thành công lớn!
[2] Nguyên tắc thứ hai: ĐI TRƯỚC mang tính sáng tạo.
Tạp hóa Haly’s ở Chakleng, trong khi quán Cham các làng mở ra rồi tắt, bán được chăng hay chớ, tôi nhìn và làm toàn cảnh. Không bán cho Cham mà cho chung, bán không thiếu thứ gì, từ bánh kẹo cho đến phân bón, xăng, cà-phê, tơ sợi… bán rẻ nhất và nhiều nhất có thể.
Để rồi chưa đầy hai năm, nó thành số 1 Cham. Mua nguyên lô đất ấy, xóa hết nợ cho bà con, tôi lên xe đò vào Sài Gòn làm việc.
Thổ cẩm Cham, trong khi bà còn còn gùi hàng thô lên Cao nguyên bán, chúng tôi đã làm 5 cuộc cải cách mang tính quyết định:
– Chế tác thành nhiều mẫu mã đẹp hợp thị hiếu thị trường
– Bán cho người và nước giàu: Ngay trung tâm các thành phố lớn, qua các nước Nhật, Tây Âu…
– Cải cách hoa văn và cách phối màu rất sáng tạo
– Chuyển hoa văn từ khung dài sang khung ngắn, sau đó nâng cấp máy dệt…
[3] Nguyên tắc thứ ba: 3-Q: Quản lí hàng hóa, khách hàng và con số.
Ở quê, Cham mở quán ngại nhất là bán chịu. Tôi vẫn bán chịu, mà có sập tiệm đâu! Vấn đề là biết quản lí con số. Vài bạn thấy tôi thành công, mới mò sang mời tư vấn. Tôi đòi cho xem qua sổ kiểm kê hàng tháng, không ai có cả, tôi nói, bạn chết ở đó!
Chỗ này tôi có cách tính toán và xử lí hệt dân… Do Thái.
[4] Nguyên tắc thứ tư: Biết P-R
Việc trọng yếu mà không ai quan tâm, mới lạ. Tôi đi trước Cham đã đành, còn đi trước lối nghĩ “bao cấp” nữa! Tôi quảng bá thổ cẩm Cham từ trong ra ngoài nước…
Cơ sở Dệt Thổ cẩm Cham – Hani chủ cơ sở, Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham – Hani giám đốc, ngay Nhà Trưng bày Văn hóa Cham cũng cho mang tên INRAHANI luôn. Tôi đổ hết công lao làm ăn kinh doanh cho Hani, giàu là ở Hani và từ Hani mà ra, viết cả trên báo chí, đến mọi người tin… thiệt.
Hội chợ Triển lãm Quang Trung hồi năm 1996 ở Sài Gòn rất to, tôi mời nghệ sĩ dân gian xịn: anh Thông, thầy Bộ, Mưdôn Đành từ Chakleng vào, Hani sắm vai nhà tổ chức, tôi soạn diễn văn cho Lâm Gia Tiến đọc, và rút về hậu trường, tận… Đại học!
Chuyện vui.
Tám chuyện nhà INRA nổi tiếng, Hani kêu em cũng tiếng xêm xêm anh chớ bộ. Tôi bảo mẹ nó nè, bây giờ anh mới bật mí nhé. Anh được 200 bài báo [giấy] tụng ca, mẹ nó có 120 bài, con số 120 đó mẹ nó biết từ đâu ra hôn?
– 1/3 là của Inrasara viết kí tên khác nhau, 1/3 nữa là do ảnh gạ và cung cấp tài liệu cho nhà báo, 1/3 còn lại mới là thật. Cũng là cách P-R thổ cẩm Cham!
Khi ta đi trước đầy sáng tạo, thì không có cạnh tranh ở đó. Nữa, ông bà Việt nói: “Buôn có bạn, bán có phường”, “Trăm người bán, vạn người mua”, sao lại đi kèn cựa nhau chứ!