[hay. Tự ái, đau – bạn muốn li nước đường rồi chìm, hay chén thuốc đắng để vượt lên?]
Ariya Glang Anak: Jôy pôic prong hatai đôm kaphôl…: Chớ to gan ăn nói hỗn hào, thất đức…
Hôm trước bạn Lê Viết Hòa còm: [Bài hay thế, sao] “cộng đồng Chăm chưa thấy nhiều hưởng ứng… vì sao?”. Tôi không hiểu rõ ý bạn lắm, chỉ trả lời: “cứ đốt lên một ngọn nến nhỏ, rồi nó sẽ lan tỏa từ từ.”
“Chưa hưởng ứng” còn may, chớ vài Chàm mình – ít thôi, thì khác. Nick Chăm Newspaper chưa từng ghé tôi, không dưng vào nhà tôi, chửi to, chửi… lạc đề.
Thi phẩm Poh Catôi nổi tiếng không kém Ariya Glang Anak, riêng khoản phê phán thì tác giả này chơi toàn từ nặng kí. Sinh linh Cham thời đại ông: ‘Arok crah canar di ngok xaban’: “Cóc xếp bằng trên bệ cao”, ‘Katrau ngik gila mưblah di lôg’: Loài cu khờ tranh ăn chả đáng”.
Ariya Glang Anak lành là thế, vẫn bày ra cụm từ vô cùng độc đáo: ‘‘Urang bihuh bihah biha bihi rakang hu abih’: “Kẻ giá áo túi cơm bị mua chuộc”.
Tôi thì sao?
Trên Chamyouth.com năm 2006, tôi viết:
“Nhà văn đích thực là kẻ có thể mổ xẻ bất kì hiện thực xã hội mà không né tránh hay cả nể. Như một cá thể, hắn phơi mình trước công chúng, không tổ chức, không phe phái, không tài sản, hắn chỉ có chữ bảo vệ mình.
Ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tư, tôi không ngại đối thoại với mọi Cham về bất cứ lĩnh vực, trực diện hay trên diễn đàn công cộng”.
Chàm mình lạ lắm, siêu tự ái luôn. Tự ái cho mình, tự ái giùm cho cả người nhà. Tự ái – tốt lắm, phiền là ta ngưng lại đó, chả nhích lên phân tấc. Khác Poh Catôy, tôi không phê mà nói ĐÚNG hiện thực, đầy hình ảnh nên thơ:
Về anh ruột, tôi viết: “tấp tểnh đi buôn/ lận lưng ít nắng quê làm vốn” (Sinh nhật cây xương rồng-1997).
Bạn thân nhất của tôi: “quay lại phận gà ăn quẩn/ cối xay xưa đã rệu rã dáng bồng” (Hành hương Em-1999)
Về cha: “dưới cái rây lịch sử khổng lồ/ cha lọt sàng sống sót/ ngổm ngổm bò dậy…” (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002).
Về mình, ở văn xuôi, hết “tôi, dân tộc Hời Nho-me”, “kẻ vô danh tiểu tốt”, “thất bại te tua”, đến “nông dân vô sản toàn phần”, “nhà thơ nông dân Chàm”, “trình độ 12/12”, “thằng Trạm mát”…
Còn trong thơ, là: “trí thức mang nhiễm triệu virus sách vở khệnh khạng” (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)…
Nhìn cận cảnh như thế, để biết TA LÀ AI.
Lẽ nào tôi miệt thị cha, anh tôi, bạn tôi, hay miệt thị chính tôi! Viết về “họ” như vậy, in giấy trắng mực đen, họ đọc – CÀNG YÊU TÔI HƠN, mới lạ.
Nỗi riêng là thế, chung thì sao?
Cham – “sinh linh sống sót đầy thương cảm” – tôi nhiều lần viết thế, “thiểu số giữa lòng thiểu số”. “Mạng cùi Chàm”, “họ coi mạng mình như con nhái”, “bộ phận dưới đáy xã hội” (Chân dung Cát-2006), “mẫu số chung đau khổ”, “mô đất tòng phạm của đồi” (Hành hương Em-1999), còn nhiều nữa…
Thấy thế, nói hay viết ra rõ ràng như thế, để Cham nhận ra hiện thực sinh phận mình, mà TỰ THỨC, mà vươn lên, VƯỢT QUA, mà cắt đứt “mặc cảm sắc tộc” một lần cho mãi mãi.
Còn Cham nào nhận mình cao sang không thấy bản thân trong “thế giới dưới đáy” đó, thì hãy tự trừ ra cho đỡ phiền.