Chuyện văn chuyện đời-21. THƯƠNG CA VÔ TẬN-1

[Giải trí đầu tuần – Đối thoại giữa Sokrates, và… ]

Thấy sai có nên nói không, các bạn ơi. Khi cái sai đó cứ được chủ nhân lặp lại, để người thiên hạ nghĩ đó là chân lí, và nói theo. Phần tôi tính nghỉ, mất lòng vô cùng, nhưng lại phải nói. Dù kể khiếm danh, hay kể bằng thể cách văn minh phong vận nhất. Các bạn cho ý kiến nhé.

Nhớ năm ngoái, chờ quay phim phỏng vấn tôi về Từ điển song ngữ Cham Việt, cô phóng viên VTV hỏi ngoài lề:

– Anh phê bình thẳng quá không ngại sao? Tôi nói:

– Phê bình là phân tích và gọi đúng tên sự thể, ai đó mất lòng, chịu thôi.

Hôm nay tạm mượn đỡ Sokrates…

[1] Một nhà thơ Việt Nam: Em báo cho ngài biết, năm 2003 Hội Nhà văn vừa ra tạp chí thơ tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử văn chương Việt Nam, em là người phụ trách chính.

– Nghe nói ở Mỹ, Khế Iêm đã lỡ cho ra tạp chí như thế từ 9 năm trước rồi.

– Dạ ngoài kia sao em không biết.

– Vậy thì đừng nói, cậu sửa lại đi, “đầu tiên tại Việt Nam” thôi.

[2] Một ông Cham: Triết lí Cham phải công nhận siêu.

– Siêu thế nào?

– Không thể diễn tả được, ăn đứt nhiều nền triết học khác.

– Anh biết triết học Đức, Pháp không?

– Không.

– Vậy triết lí Cham siêu là phải rồi…

[3] Nhà thơ Việt Nam: Lục bát hóa thơ tự do công nhận bạn tôi là kẻ mở đường, vô cùng độc đáo.

– Ông biết 7 năm trước, Đỗ Kh. đã làm rồi chứ?

– Anh này ở Pháp, tôi chưa đọc.

– 4 năm trước, ở Sài Gòn nhà thơ Inrasara đã tổ chức Bàn tròn về vụ này cho Lê Vĩnh Tài, ông cũng không à?

– Tôi không dự Bàn tròn đó.

– Chà… chà, kẹt nhỉ!

[4] Một nhà phê bình từ hải ngoại về, kêu:

Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp, và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ, và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga, cộng với việc dịch thuật không chuẩn, thành ra méo mó hết cả.

[Nhà phê bình mà, nhiều chữ nên nói dài], Sokrates hỏi:

– Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu và Inrasara ở Sài Gòn có phải là người Việt không?

– Đúng rồi.

– Có ai trong ba đứa chúng nó biết tiếng Nga không?

– Theo chỗ tôi biết chả có ai cả.

– Vậy họ “học cái sai về hậu hiện đại từ Nga” ở đâu?

[5] Một sinh viên Cham: Báo cáo ông, xã hội Cham, ba cháu là giỏi nhất.

– Ba có bằng cấp gì không?

– Dạ không.

– Tháng ba cháu kiếm được nhiêu?

– Ba chưa có việc làm.

– Ba cháu có giúp ích được gì cho Cham không?

– Dạ không.

– Ba cháu là người nhà trời rồi đó.

[6] Một nhà thơ: Thơ Nguyễn Quang Thiều là loài “thơ Tây giả cầy”, tôi dám khẳng định như thế.

– Anh biết tiếng Anh không?

– Không.

– Anh đọc được thơ tiếng Pháp không?

– Không. Sao bác lại hỏi tôi thế?

– Họ là Tây, anh chưa biết thơ Tây ra sao thì làm sao biết được “thơ Tây giả cầy” nó xanh đỏ thế nào. 

[7] Một sinh linh Cham: Thơ mà ai chả làm được, cỡ như Inrasara tôi viết có mà chất đống.

– Cậu có làm thơ không?

– Không… à chưa.

– Tại sao?

– Tôi không muốn làm đó thôi, vả lại tôi không có thời giờ cho thơ thẩn.

– Ở thành Athens này cũng có vài người như cậu đó, họ có thể làm thơ hay hơn Sophocles, tại họ không muốn làm đó thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *