Minh triết Cham-Phụlục-3. HÃY SỐNG CÓ ÍCH-2

[Dương Tấn Phát, Thiên Sanh Cảnh, Châu Văn Mỗ]

Ariya Glang Anak: Mưyah pwơc pasumu tian drei

Ở tiểu luận “Thông điệp cho Cham: hôm qua, hôm nay & ngày mai” viết năm 2016, tôi phân kì lịch sử Cham cận và hiện đại làm 3 giai đoạn: Sống sót & tồn tại, Ổn định & bản sắc, và Nhập cuộc về hướng mở. 

Mỗi giai đoạn, sinh mệnh dân tộc được đặt trước câu hỏi lớn, bật lên cá nhân hay nhóm người đáp ứng đúng điệu, qua đó hóa giải nút thắt của lịch sử dân tộc. Thế hệ Dương Tấn Phát, Thiên Sanh Cảnh, Châu Văn Mỗ ở giai đoạn thứ hai.

Xã hội Cham đặt nền tảng trên tôn giáo tín ngưỡng. Nền tảng này lung lay, cả xã hội bị tác động. Tôi nghĩ mãi, ông Huyện Phát với cụ Đề Cảnh, từng làm nhiều việc lợi ích cho cộng đồng, sao đã dừng lại trước vấn nạn tôn giáo? Không hiểu!

Trong khi thời ấy dù Cham còn nghèo, nhưng rất dễ.

Ông Huyện Dương Tấn Phát là một nhân sĩ uyên thâm về văn hóa truyền thống dân tộc, tác giả Bộ luật Gia đình Chàm. Ông giữ chức hai đời Tri huyện An Phước đến năm 1958, nghĩa là ĐẦY QUYỀN HÀNH.

Cụ Thiên Sanh Cảnh sáng lập và chủ bút Nội san Panrang, được xem là một học giả uyên bác về Cham; người từng đứng lớp giảng cho chức sắc nghe về Xakawi nữa, nghĩa là NHIỀU TỰ DO.

Vậy mà hai vị chưa ổn định được bao nỗi tôn giáo Cham. Với bậc tiền bối ta không nên phê bình [cho dù chết không phải là hết, khi người ấy có vai trò lịch sử], dẫu sao cũng cần đặt câu hỏi. Do ta chưa “ĐI VÀO TRONG” – cụm từ tôi thường dùng cho phê bình văn học, để thấu cảm chăng?

Châu Văn Mỗ cũng là người quyết liệt, thời còn quyền hành, ông lập Hội Bảo trợ để từ đó, thế hệ trí thức Cham đầu tiên ra đời. Còn lúc tù về, ông đằm hơn qua đó, ông làm vài việc có ích. Xakawi là một. Trích Hàng mã kí ức-2011:

“Thiên Sanh Cảnh sinh thời có mỗi ước mơ: Đời tôi thống nhất được Xakawi cho Cham bốn vùng là “xuôi tay nhắm mắt mơ người” được rồi. Khó nỗi là ông nói đâu dẫn chứng rành mạch đó, như thật. Vâng, bác nói phải thì tụi em nghe. Cũng đãi cơm, cũng gật gù. Nhưng khi bác đi rồi, tụi em cứ nếp cũ mạnh ai nấy làm.

Mãi mùa hè 1991, một hội nhí là Hội Bảo thọ Chakleng do Châu Văn Mỗ Hội trưởng, Quảng Đại Hồng phó cùng tôi thư kí, xắn tay áo vào cuộc: bàn thống nhất Xakawi. Trong khi cả ba không hiểu gì về Lịch. Đó là việc làm to con và to gan. Nhưng tại đó, 2 vị Pô Adhya và 4 Cham rành Xakawi được mời tới, để chỉ qua hơn giờ đồng hồ tâm tình, tất cả nhất trí cao. Chú ý, TÂM TÌNH chứ không là bàn cãi, thảo luận đầy tính khoa học.

Sau cuộc đó, nhóm ông Trượng Văn Sinh, anh Sử Văn Ngọc, Châu Văn Trợ lĩnh sứ mệnh biên soạn lịch rồi đi vào Phan Rí, Ma Lâm thương thuyết theo tinh thần “tình cảm là chính”. Như nghệ với vôi, mọi người một lòng một dạ… thống nhất”.

Hiểu ‘Halau janưng’ Cham thế nào?

Hệ thống triết học Ấn Độ, Brahmin là đẳng cấp cao nhất, đồng thời làm nền tảng giữ cho Ấn Độ được là Ấn Độ. Và Cham được là Cham. Đẳng cấp thứ hai, vua chúa có thể chuyển từ triều đại này sang khác mà chẳng hề hấn gì; chớ Brahmin mất đi, cả hệ thống tư tưởng và xã hội Ấn Độ suy đồi hay sụp đổ. 

Một Brahmin nào đó chưa trót đường tu, ngôn và hành sai lạc khiến kẻ đẳng cấp Ksatriya chiến sĩ nổi giận, hậu quả: Thay vì bảo vệ Brahmin, bạn trở ngọn giáo chống lại người anh em thuộc đẳng cấp này, Cham không ‘GUL’ từ đó.

Đắc đạo Cham, tôi nhìn khác. ‘Halau janưng’ chưa trót đường tu, là lỗi ở lịch sử, chứ không ở các vị. Champa mất, kinh sách thất lạc, giới tu hành thiếu – từ đó cộng đồng tôn chức hơi tùy tiện, thì chuyện sai lệch là không thể tránh.

Đáng thương hơn là đáng trách. Không phê nữa, làm thôi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *