Chuyện văn chuyện đời-03. GIẢI TRUNG TÂM TỪ SỐNG ĐẾN VIẾT

1. Ngay từ nhập cuộc chữ nghĩa,

In sách, tôi không chọn nhà xuất bản, từ Văn hóa Dân tộc đến Thanh niên, từ Hội Nhà văn, Văn nghệ Thành phố cho đến Tri thức, đâu tiện thì tôi in.

Báo, tôi viết cho nhiều loại, từ TƯ đến địa phương, từ báo thiếu nhi đến dân tộc thiểu số. Nhiều nhất là Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, Văn nghệ Thành phố, Bình Thuận cuối tuần, Đà Nẵng cuối tuần, Tiền Phong chủ nhật, Dân tộc & Phát triển, Quân đội Nhân dân cuối tuần, Nhân Dân cuối tuần… Rồi khi internet xuất hiện, tôi viết cả cho báo nước ngoài.

Không phân biệt, không kén cá chọn canh, sang trọng hay thấp kém, nổi tiếng ít hay nhiều, nhuận bút cao hay thấp – với tinh thần phi tâm hóa triệt để.

Còn báo, tạp chí chuyên văn hay trí thức thì sao? Tôi viết nhiều nhất cho tạp chí Văn của TPHCM, sau đó là Tia Sáng với tần suất vượt trội. Báo mạng, của Cham có: Chamyouth, Ilimochampa; trong nước là: Vanchuongviet, Evan… ngoài nước: Tienve, Talawas, Thơ, Hợp Lưu; nước ngoài: RFA, BBC, Ấn Độ

Non ngàn bài, tôi viết khi ĐƯỢC MỜI, chứ không tự tiện gửi. Tư tưởng tôi, lối viết tôi, không theo ý hướng của tòa soạn nào bất kì.

2. Hôm nay

Từ sau Tết, bài tôi đăng liên tục trên Vanviet.info [của Văn đoàn Độc lập] khiến nhiều người ngạc nhiên. Chuyện như vầy, trước Covid-19, Ban biên tập mời tôi tổ chức chuyên đề văn học ngoại vi, tôi khất – vì bận về quê san định Kinh sách Cham.

Nay rảnh, tôi thực hiện lời hứa, gom lại các bài cũ đã đăng báo hay in sách cùng chủ đề, gửi đi, chứ không tổ chức bởi tôi không còn Sài Gòn. Vanviet đăng mỗi tuần 1 bài, khoảng 30-40 bài, là xong phim.

Tôi có chê Vanvn.vn của Hội Nhà văn không? – Không!

Thuở còn Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi viết loạt bài về Xét kết nạp Hội viên, do BBT mời. Cách làm của tôi được đại đa số ủng hộ. Mỗi ứng viên đăng: Tiểu sử văn học, ảnh chân dung, 15 bài thơ tự chọn, và trích dư luận.

Công khai, cả minh bạch trong phiếu bầu. Để ủy viên Hội đồng trách nhiệm với lá phiếu của mình, công tâm, và nhất là tránh điều tiếng về Hội. Chơi được 2 năm thì ngưng. Từ đó, website của Hội không mời tôi viết bài nữa.

3. Diễn đàn, tại sao không?

Chả hiểu cớ gì đến hôm nay, Hội Nhà văn chưa mở mục diễn đàn, cần thiết cho trao đổi và tranh luận văn học. Không gian website mênh mông, rất tiện, cũng không luôn! Ta đi đăng bài nhảm nhí, như của Đỗ Ngọc Yên: “Bàn thêm về thơ trẻ” (Vanvn.vn, 26-2-2021).

Ở đó quá nhiều lạc hậu nguy cơ kéo văn học tụt hậu. Tạm nêu 4:

[1] Cảm tính và mơ hồ

“Tôi có cảm giác như họ viết rất vội, vốn sống chưa nhiều nhưng lại tham viết nhưng chưa tới.” – Phê bình sao lại “có cảm giác”?

[2] Mù quan sát

“Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam sẽ không xuất hiện khuynh hướng thơ này [tức hậu hiện đại]”. – Thơ hậu hiện đại có mặt từ cuối thế kỉ XX, chỉ nhà phê bình không nhìn ra mới không thấy.

[3] Nhảm và nhàm

Nhai lại ý và từ người đi trước. Hết “thiếu vốn sống”, “chưa tới” đến “chỉ ở mức thể nghiệm”…

[4] Cực kì chủ quan

“Thơ trẻ hầu hết tập trung vào chủ đề tình yêu, đề cao cái tôi cá nhân, yếu tố dân tộc, đất nước mờ nhạt” – chứng tỏ người phát ngôn không đọc gì cả, cứ nói bừa!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *