“Việt Nam không có truyền thống triết học, chúng ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó nữa. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học Theo-ism” (Vietnamnet, 10-10-2008)
Để làm gì, triết học?
Xin nói ngay, mục đích của triết học là làm những việc… vô ích.
Thậm vô ích, ngoài giúp sinh linh biết mình, tự tri – theo nghĩa Sokrates. Cách vật trí tri, nhìn thấu sự vật, từ nhiều chiều, cả ở bề tối, góc khuất. Cho con người không phải nô lệ cảm tính, cảm tình, định kiến, qua đó ta phá vỡ mọi vô minh.
Riêng thế giới chữ nghĩa, trước một văn bản, ta nhận ra bao nỗi vô minh trong đó.
Tự tri, ta biết ta mong manh, sống 1 lần, chỉ 1 lần và không bao giờ nữa. Thế nên ta cần hiểu biết để sống đầy tràn ý nghĩa của 1 lần kia. Không phải biệt thự, tiền, gái, ăn chơi tiệc tùng mà giản đơn – ban tặng ý nghĩa cho vô nghĩa.
Tự tri, ta biết ta là Cham trong đất nước Việt Nam lấp lửng khu vực nghèo nàn, lạc hậu. Không đổ thừa, không trách oán, ta “hành động trong chân trời khả thể”. Và vui.
Ta có sức khỏe, sức khỏe tinh thần và cả thể chất – đương nhiên.
*
Câu chuyện [trích Minh triết Cham-2015]:
Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Chakleng, thấy tôi đang ôm cuốn L”Être et le Temps của Heidegger, liền nhăn nhó:
– Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à?
Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng nghe, chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:
– Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?
– Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
– Thế chế độ này do ai lập nên, không phải Hồ Chí Minh sao?
– Thì đúng rồi!
– Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, và học thuyết Lênin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Karl Marx? Mà Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…
Ông thầy nín thinh. Tôi tiếp:
– Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal, chắc thầy chưa quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống thầy, của tôi và mọi người xung quanh. Là con người, tôi cần hiểu nó, hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.