Sau video “Thơ tình hậu @”, Jaya nói hôm nào cei làm “Thơ có ích lợi gì không?” đi. Tôi, ok. Để trả lời câu hỏi “trầm trọng và đau thương” trên, tạm trích 3 đoạn:
Giữa thế giới giàu sang vô độ này
cả nền thơ không thể cứu chuộc chúng ta
trong thế giới nghèo túng cùng cực này
một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Một đóa hoa dại đung đưa vách cửa nhà tù
một tứ thơ ẩn sau cánh hoa
cũng đủ cho tù nhân chiêm nghiệm
(“Đoản thi dành cho con”, 1982, Sinh nhật cây xương rồng-1997)
Trích Nhập cuộc về hướng mở-2013:
Thơ hình thành từ thuở có con người, và chắc chắn nó chỉ bị triệt tiêu với sự biến mất của loài người. Nhưng thơ là gì, cái thực thể tồn tại cơ hồ như vô ích kia?
Từ nhân loại biết suy tư và có chữ viết, các tư tưởng gia, triết gia tìm cách định nghĩa thơ, và rồi bao giờ cũng bất lực trước bí ẩn của thơ. Thế hệ đi tới lại có nỗ lực khác nữa…
Không ít kẻ coi thơ là cõi thiêng kẻ phàm không thể đụng tới, bên cạnh bộ phận người thẳng thừng từ chối thơ, cho thơ như loài kí sinh vô dụng với nỗi có mặt vô thưởng vô phạt của nó. Dẫu sao đi nữa, thơ cứ tồn tại. Bất kì đâu, dân tộc hay thời đại nào. Như thể nó là thuộc tính của con người, không dứt ra được.
Thế nào là thơ, mãi là câu hỏi của muôn đời mà câu trả lời luôn bị bỏ lửng.
Không trả lời được, thơ vẫn có mặt. Nông thôn hay thành thị, người học cao hay sinh linh ít học, trẻ hay già, nam hay nữ. Các bài thơ, tập thơ ra đời mỗi ngày, cấp tập, dẫu khắp nơi nó cứ bị than ế.
Thơ có mặt, như một thách thức. Cả trong thời đại tốc độ, chuộng bề mặt của hôm nay.
Không mang đến lợi ích thiết thực, rõ ràng có thể cân đong đo đếm được, thơ vẫn cho ta cái cảm nhận mơ hồ rằng nó có “lợi” nào đó.
Thơ hiến tặng con người lối nhìn mới về cái đẹp, không phải cái nhìn về thế giới khách quan mà là cái đẹp của và cho tinh thần. Trăng chỉ là một tinh cầu giữa vũ trụ, qua con mắt thi sĩ, trăng đã là chị Hằng, có cây đa và chú Cuội… cho con người mơ mộng.
Mơ mộng và tưởng tượng là khởi đầu của phát minh. Lạc rừng, mơ được bay như chim để mau về nhà với mẹ, ta có máy bay. Nhớ người tình, nửa đêm tưởng tượng nghe tiếng nàng thì thầm, ta chế ra điện thoại; còn thèm thấy cả mái tóc người thương, ta nghĩ ra smartphone.
Thơ có mặt để làm đẹp cuộc đời, giúp xoa dịu phiền muộn của con người. Khi ta bị bức xúc, bị đối xử oan khuất… một đoạn, vài câu thơ được đọc lên bất ngờ giải tỏa bao ẩn ức, tâm hồn ta trở lại bình an.
Thơ làm cho con người trở thành người hơn, nhân bản hơn, biết cảm thông và tha thứ. Thử hỏi nếu không có Ariya Cam – Bini, xung đột hai tôn giáo Ấn giáo và Islam sẽ ra sao? Hố cách ngăn tình yêu giữa cô gái Cham và chàng trai Bà-ni còn kéo dài đến bao giờ?
Và có phải thơ hoàn toàn không mang đến ích lợi thiết thực không? Nhất Hạnh đã đặt câu hỏi, trong gié lúa vàng đang trĩu hạt kia, câu ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
đã đóng góp bao nhiêu phần trăm công lao, ai đo đếm được?
Cuối cùng, thơ góp phần lớn vào lưu trữ, phủi bụi hay tắm rửa và làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc. Có ai dám phủ nhận công sức này?