ÍCH KỈ, ĐÂU CHỈ MỖI VIỆT NAM CHUNG CHUNG

Theo Nguyễn Hưng Quốc, nếu nêu tính xấu của người Việt Nam hiện nay, “ba tính xấu đáng kể nhất là ích kỷ, giả dối và vô cảm”. Ích kỉ đứng đầu bảng, đáng lắm! Bởi chính nó là gốc rễ mọc lên bao tính xấu còn lại, trong đó có giả dối và vô cảm.

Hôm trước đi qua Ghur Raneh, dừng xe xíu nhằm thưởng cảnh và hồi tưởng kỉ niệm đau và đẹp đã qua, bỗng tôi giật mình thột. Ở góc ‘Ghur’ nhỏ lồ lộ cái chuồng gà với lũ gà đang bươi đám cỏ bên đá ‘Ghur’.

Gần năm đi qua, hơn tháng nữa thôi là đại lễ Ramưwan bà con đi tảo mộ. Nghĩa là đất thiêng nơi ông bà yên nghỉ thành bãi rác cho lũ gà vô tư bươi cỏ, vãi phân. Không phải không kẻ Cham nào nhìn thấy, thế nhưng “cha chung không ai khóc”. Cứ nhắm mắt cho qua cho yên chuyện.

Đó đích thị là ích kỉ!

Ích kỉ là chỉ nghĩ đến mình, mà không ai khác. Mình trước tiên, sau mới đến ai khác. Mình, có thể là bản thân, gia đình mình, cộng đồng, dân tộc, đất nước mình, vân vân.

Năm 2005, Toyota Foundation tài trợ cho tôi nghiên cứu Trường ca Cham (680 trang), và một nhà khác về Muk Thruh Palei (120 trang). Xong, đại diện bên Nhật Bổn hỏi nhà ấy: Anh cần in nhiêu?

– Tác phẩm kén người đọc, chắc in 200 bản để tặng các thư viện thôi. – Anh trả lời, không cần suy nghĩ.

Bên Nhật ok. Quay sang tôi:

– Còn anh Inrasara?

– 1.500 bản.

Họ duyệt ngay không chút chần chừ. Ở giờ giải lao, cô giáo sư Nhật hỏi nhỏ tôi nguyên do. Tôi nói:

– Văn bản văn chương cổ Cham đang thất tán khắp nơi; sưu tầm, hiệu đính, dịch ra tiếng Việt in thành tập để bà con cầm tay là vô cùng quý. Tôi muốn mỗi gia đình có học Cham đều có một bản trong nhà…

Tiền do hãng xe hơi lớn Nhật tài trợ, sao phải ích kỉ với bà con nghèo?!

Tôi ngược lại, in xong, tôi kêu sinh viên tới nhận phát hành. 680 trang, 60.000đ/ cuốn, tôi còn cho đóng dấu: “Bán giá ưu đãi cho bà con”: 30.000đ. Ai biết giá trị của sách thì phải bỏ tiền ra mua, còn tiền bán được, sinh viên đút túi. Không sướng sao?

Đó là điển hình “chỉ nghĩ đến mình, mà không ai khác” của trí thức XHCN.

Ích kỉ còn biểu hiện qua nhiều thể cách khác khó nhận mặt hơn, ở đó chuyện tài trợ chỉ là một mảnh nhỏ. Tài trợ,

phải nơi ánh sáng, chứ ở chốn xa khuất [như trẻ em vùng núi] thì không;

ở chỗ đông người, còn nơi phận hèn [bà mẹ quê chẳng hạn] thì không;

xây đền đài cho đời biết mà chiêm bái, chứ biếu sách chả có ma nào nhìn thấy [như tặng quà Trung thu] thì không.

Tài trợ, để tên được treo bảng hay xướng to lên, chớ “tay trái cho, tay mặt không biết” thì không.

Ích kỉ còn mênh mông biến thái khác. Không chỉ ở Việt Nam chung chung, mà len lỏi lây lan tận cộng đồng Cham bé nhỏ của tôi. Mới buồn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *