Nghĩ-54. VĂN HÓA CHÚ THÍCH & CÁI TAI [TỆ] HẠI CỦA NHÀ VĂN

“Nhà văn là kẻ phơi mình trước công chúng. Như một cá thể – không tổ chức, không phe phái, không tài sản, hắn chỉ có chữ bảo vệ mình…

Ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tư, tôi không ngại đối thoại với mọi Cham về bất cứ lĩnh vực ở bất kì đâu: trực diện hay diễn đàn công cộng”.

(Chamyouth.com, 2006).

Với tư cách nhà văn, tôi không né tránh, mà phân tích tới cùng sự thể liên quan đến nghề nghiệp, cộng đồng. Khác triết gia hay nhà tư tưởng, Krishnamurti hay Heidegger chẳng hạn, luôn trừu tượng và chung chung, nhà văn là nòi ưa cụ thể, có địa chỉ.

Qua đó loài này không tránh bị… nạn. Cả từ người yêu mình. Ba chuyện rất đáng kể lại:

[1] Đỉnh điểm Covid-19, Hani hai lần bị đột quỵ trong khi tôi đang kẹt tại quê. Tút kể chuyện người nhà bị nạn, không chừa tật nhà văn – tôi “phân tích”: Do tham công tiếc việc dù đã có tuổi, thêm món sinh hoạt thiếu nề nếp… Thế là bà chị từ xa còm:

– Chạy lo cho vợ đi, ở đó phê với bình.

– Lo thì lo rồi, có Yôn Xanưng nào cưỡi ngựa qua đây lo. Chị biết, cái gì cũng từ nhân mới ra quả. Đây không là chuyện gia đình, nhân tiện – kể, để làm bài học cho cộng đồng về sức khỏe, và cả cho cô ấy nữa, chị à – tôi nói, và đùa Hani:

– Mẹ nó giai nhân một thời đã chuyển hệ qua đẹp lão rồi, không khéo giữ, xuống cấp thì anh ngó sao đặng…

[2] Mùa hè 2019, buổi sáng thuyết trước đoàn biểu tình trăm người tại cổng một căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Okinawa – Nhật Bản, về – tôi tút kể lại. Một bạn Việt yêu Sara, nhắn tin: Anh cho xuống đi, không lợi cho anh về lâu về dài đâu.

Ý bạn, ví nay mai Việt Nam có biến, tôi còn đường thoát. Cớ nói xấu Mỹ, khi ấy họ xét lí lịch thì kẹt cứng. Tôi nói:

– Sara không chống căn cứ quân sự, còn ủng hộ mạnh đấy chứ, chống là chống rác thải từ chốn ấy đổ ra, thêm ô nhiễm âm thanh này nọ nữa.

Chuyện đã kể trong “Đối thoại Fukushima-2019”.

[3] Luôn luôn có “Ghi chép”, “Lập biên bản”, chứng từ đủ đầy với tinh thần tôn trọng sự thật tuyệt đối. Nhất là khi sự thể liên quan đến chữ nghĩa. Mơ hồ hay chung chung thì bị nạn ngay. Tôi bị một lần, lại bởi người thương: Bùi Thị Lài – chừa luôn!

Tiểu luận “Gọi tên căn bệnh của phê bình văn học hôm nay” đăng báo Văn nghệ, 30-8-2008. Báo Hội Nhà văn Việt Nam chơi ác, xóa hết ghi chú của tôi; tôi càng ẹ hơn, gửi chính bản “biên tập” đó đăng Talawas. Thế là “cô Lài” bẻ hết đàng cãi:

– Mình chẩn bệnh thiên hạ, chớ ai bắt mạch mình đây?

Tôi phải vội vã xin lỗi, rằng bản in trong Song thoại với cái mới có đủ đầu mình và tứ chi luôn. Dẫu sao đó là lỗi của tôi, đa tạ!

Tôi, Cham Storyteller. Nhà văn là kẻ kể chuyện. Kể có tang chứng, ngay lúc các sinh linh còn sống, để sơ suất đâu có thể đính chính hay cãi lại.

Heleh!  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *