Nghĩ-17. CẢM THỨC THƠ

“Thời đại thay đổi, thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi”.

(tạp chí Thơ [HNVVN], số 1-2006).

Không chịu thay đổi, thế nên ta cứ chống đối, thậm chí phỉ báng nhau. Dù ta mang tiếng nhà thơ, trí thức hay gì gì khác. Tôi là luận sư của Thi đạo [và đạo Cham] mang sứ mệnh giải minh sự vụ. Tiểu luận “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay” [tạp chí Sông Hương, 2008] có mặt, là bởi lẽ đó.

Thử xét 3 dòng thơ Việt đương đại, toàn các bài tiêu biểu, và “hay”.

[1] Dòng tiền hiện đại:

Xuân Diệu “Lời kĩ nữ”:

Khách ngồi lại cùng em trong chốc lát. Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi! Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời. Khách không ở, lòng em cô độc quá.

Hữu Thỉnh “Thơ viết ở biển”:

Anh xa em, trăng cũng lẻ, mặt trời cũng lẻ. Biển vẫn cậy mình dài rộng thế, vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Nguyễn Trọng Tạo “Chia”:

Chia cho em một đời say, một cây si với một cây bồ đề. Tôi còn đâu nữa đam mê, trời chang chang nắng, tôi về héo khô.

[2] Cả khổ thơ nối lại cho ra văn xuôi chuẩn ngữ pháp, có vần có điệu và rất đẹp. Thơ hiện đại khác hẳn.

Trúc Thông “Gửi bạn” bẻ chữ, đứt quãng, chẳng ra thể thống gì cả:

buổi sáng nguyên

tâm hồn nguyên

bạn hiền in nét

lúc

không giọt cà-phê đậm

làu khói thuốc

sáng – tâm hồn con gái sắp lên ba

Nguyễn Quang Thiều thì luộm thuộm, dông dài, lê thê:

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông.

Hoàng Hưng còn ghê nữa, “Đường phố” nhảy cóc với chộp bắt lung tung…

[3] Còn đỡ, hãy xem cánh hậu hiện đại chơi.

Nguyễn Hoàng Nam bày bàn cờ tưởng, với 3 con tốt xanh qua sông, thêm 1 mã rình rập áp sát quân đỏ còn mỗi tướng cùng 1 sĩ bảo vệ. Là một bài thơ! Nó nói lên điều gì, cứ để cho độc giả liên tưởng và tưởng tượng.

Lý Đợi dùng ngay hóa đơn tỉnh tiền nhậu vừa được mang đến, đánh dấu hỏi [?], cô phục vụ mang đi rồi trả lại với chữ “ok”, anh thêm ba chấm than vào [!!!] bên cạnh, thế thôi đã thành 1 bài thơ [Sara có biên tập].

Bùi Chát “khóc văn cao” chỉ với 6 âm tiết:

anh văn ơi

hu hu hu

trong khi phần chú thích “lạc đề” kéo dài đến 2 trang!

Cuối [chưa hẳn là] cùng, Lê Anh Hoài quấn quanh mình giấy vệ sinh, đứng ngã tư đường phố Sài Gòn cho bạn văn nghệ và khách đi đường cắt cắt cắt, để thể thân hiện ra nguyên bản đồ Việt Nam đầy máu me.

Cũng ra một bài thơ mang tên “CUT” [có thể hiểu là: cắt, cứt, cụt…].

Không thể hiểu hay cảm ư? Lỗi không phải ở Hoàng Hưng… hay Bùi Chát… mà ở nhà trường và,

CẢM THỨC THỜI ĐẠI. “Thời đại thay đổi, thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi” – Ainsi parlait Inrasara!

Vậy làm gì? Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, không thể khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *