Chuyện lứa đôi không ai chưa từng qua cầu. Chuyện tình, ta cảm nhận đâu là chân đâu là giả chớ thơ tình hay dở, thì chưa chắc, tại sao?
Thời đại khác, thơ khác, cách đọc thơ cũng phải khác.
Ngôn ngữ thơ khác. Hôm qua là: “tóc mây”, “má hồng”, “đôi vai gầy”, “ánh mắt sao mai”, “tà áo dài tha thướt”… nay đã khác: Từ “bông cứt lợn” đến “vòm vú teo”, hết “con chó ốm” đến “đôi mắt cá ươn”… Đọc “Nga” của Nguyên Sa, thì biết.
Nhịp hay giọng điệu cũng khác.
Lâu nay ta cứ nghĩ thơ tình phải thật. Nếu không thì ít ra nhà thơ phải nhập tâm vào cuộc tình nào đó để kể bằng giọng thật, thơ mới hay. Có thế đâu!
Làm một bài thơ tình khác với dùng thơ kể lể một chuyện tình. Vũ Hoàng Chương qua bài “Mười hai tháng sáu”, Hữu Thỉnh với “Viết ở biển” có thể không là chuyện tình thật của nhà thơ, nhưng thi sĩ hóa thân vào nhân vật, để kể – như thật.
Cả hai thật quá, mà thơ đâu cần phải thế, thật thì tốt mà giả cũng không sao miễn – hay! “Cần thiết” của Nguyên Sa, đọc như thể thi sĩ đang kể chuyện tình thật, phải đến câu cuối ta mới vỡ ra: thi sĩ tài hoa này đang đùa. Nguyên Sa đang LÀM BÀI THƠ TÌNH, chứ không KỂ MỘT CHUYỆN TÌNH. Bùi Giáng cho đó là lối ”niêm hoa vi tiếu” của thơ của Nguyên Sa!
Thơ hiện đại thì vậy, bước sang gian hàng thơ hậu hiện đại càng khác. Inrasara: “Những ngày rỗng-Ngày 17. Trà Thu Uyên” (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002).
Tìm người như thể tìm chim*
[bắt chước giọng Paul Eluard]
Hai ngàn cây số em đi đâu
tôi gọi tên em trên đường quê
sau ngọn đồi
bên góc phố
tôi gọi tên em trong quán cà phê, tiệm phở
gọi mớ giấc ngủ
gọi tỉnh toan tính làm ăn
gọi rát họng mênh mông gió cát Phan Rang
gọi thầm thì ních chật Sài Gòn siêu thị
Em về đâu dáng chân khẳng khiu
(tiếp tục gọi ở bất kỳ đâu, khi tiện)
Cãi lẫy (ở dạng đối thoại)
Em ở đây chứ em đi đâu
nơi tai anh thôi – anh nhấc máy
trước mắt anh mà – anh cứ click
giữa lồng ngực anh – anh thử đập vào thành tim
Chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam
(giọng lãng mạn Tiền chiến)
Em bên anh mà em nơi đâu
đời thui hồn anh thành sậm màu
em đốt tim anh tàn trăm mảnh
thả vào Nam mà bay về đâu.
Đó vừa làm thơ vừa ý thức về mình đang làm một bài thơ tình, theo thể cách kịch của Bertolt Brecht, để diễn viên vừa diễn vai vừa giải thích vai diễn của mình! Khó hiểu chăng? Thì đó do thời tự.
Thời đại thay đổi, thơ thay đổi và cách đọc thơ cũng phải thay đổi, không thể khác.
Inrasara-TV-11 luận giải sự thể đủ đầy với tang chứng hấp dẫn, mời quý vị và các bạn xem ở đây: 11. Thơ tình hậu @. – YouTube