Đây là lần hai tôi dự Ngày Thơ tỉnh nhà. Lần đầu, hồi còn sắm vai phó Chủ tịch Hội đồng Thơ HNVVN, lần này: nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ [hãy lưu ý chữ “nguyên” này]!
Hội Ninh Thuận có hơn 60 hội viên văn học, sáng ngày 4-2-2023 chỉ có 15 ông/ bà “già” đến với nhau. Anh Mai Ty tổng biên tập Tạp chí – đương nhiên, thêm hai nhạc sĩ và 3 nhân viên văn phòng Hội nữa. Vỏn vẹn 21 mạng, cũng vui đáo để!
Vào cuộc, 8g30, sau phát biểu của anh Mai Ty, nhà thơ Trần Tuấn Hùng Chi hội trưởng Văn học đọc tổng kết năm, rồi là “mời Inrasara” phát biểu, sau đó mỗi người đọc/ nói phần của mình. Lạ, tọa đàm nhưng anh em lại phát biểu… đứng!
Ý chung nhất, thơ hay dở là tùy người, người này nói hay kẻ kia nói dở là cảm nhận riêng. Ở đây tôi nói…
Tôi đã in 8 tập thơ, từ tập thứ tư, – như tiểu thuyết gia chính hiệu không muốn tác phẩm mình được dựng thành phim, tôi có loài thơ không thể phổ nhạc.
Nhà thơ cần đọc/ học nhiều, để tránh. Sự nhảm và nhàm.
Thơ Việt hôm nay có 3 dòng lớn với nhiều chi lưu. Dòng cổ truyền vẫn có thơ “hay” nếu ta có tài và, nỗ lực. Tôi đọc 3 bài thơ”: Lục bát “Lá giả” của Thu Nguyệt; 8 chữ “Bóng chữ” của Lê Đạt; và thơ tự do “Năm ngón tay” của Nguyên Sa.
Tôi cho đó là 3 bài thơ “cũ” hay.
Nhà thơ cần học biết thơ Việt Nam đang ở đâu, và thế giới đã đi tới đâu. Mất 6 phút.
Về ý kiến của các bạn thơ, ngoài hành lang, tôi nói:
Trước một bài/ tập thơ, bạn đứng ở góc độ nào để tiếp nhận? Người đọc, nhà phê bình hay kẻ sáng tác? Một bài thơ nào đó, đọc như người đọc ta thấy “hay hay”, chớ với tư cách nhà phê bình lắm khi nó không đáng bàn, còn như kẻ sáng tác đọc thì không có gì để học ở đó cả!
Văn chương dù được coi là vô bằng, nhưng không thể không có cơ sở để lôi nhau ra tòa phân xử hay dở, cao thấp.
Câu hỏi, chúng ta ở đây là người làm thơ hay viết phê bình, ta đọc với tư cách gì?!
Anh em hứa sẽ mời Inrasara thuyết về thơ một buổi, cho đã!!!