Minh triết Cham-3. HỌC, ĐỂ LÀM GÌ?

Bốn tuổi, vài bận nghe ông ngoại đọc Ariya Glơng Anak, tôi thuộc. Buổi tối nhà quê, nằm ngoài sân trăng, ông ngoại bảo tôi đọc theo, tôi kêu: ‘Yăng’ thuộc rồi, ngoại à. Thuộc rồi cũng học lại, ngoại nói.

18 tuổi năm cuối Trung học, tôi hai lần chép Dictionnaire Cam – Français của Aymonier-Cabaton khổ lớn dày 600 trang. 21 tuổi, từ Nha Trang tôi cuốc bộ ra Huế thỉnh bộ Kinh Hoa Nghiêm… Để làm gì?

Truyện cổ Cham “Đi tìm học bán vợ” ‘Nao mưgru pablei hadiiup’.

Giải minh về ngôn từ, trích Tiếng Cham của bạn: MƯ tiền tố có nghĩa “mang chứa, có khả năng”, GRU: thầy. “Mưgru”: học, nghĩa là mang chứa, có khả năng làm thầy.

+

Truyện cổ ĐI TÌM HỌC BÁN VỢ

Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai 12 tuổi. Đang sống yên ổn và hạnh phúc, bỗng ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến vị guru Bà-la-môn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:

– Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.

Không chần chừ, người nông dân bảo:

– Nhà con có mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.

– Ta không có trâu để cày.

– Con có cặp trâu đã thuần.

– Ta cũng không có người chăn trâu.

– Con có đứa con trai khỏe mạnh – người nông dân nói.

– Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.

– Con nguyện lo cho guru.

– Không, ta và ngươi dành trọn thời gian cho học tập và tu luyện.

– Nhà ngươi có vợ chứ? – Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.

Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.

Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bà-la-môn cùng với tài sản và hai người thân yêu của mình.

Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bà-la-môn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:

– Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa giáo lý Bà-la-môn.

Ba năm trôi qua. Sau buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:

– Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.

Nửa năm sau, vị sư nói:

– Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.

Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:

– Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã hết, con không phải cần đến ta nữa.

– Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.

– Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.

Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.

Để sở hữu tri thức, người học sẵn sàng trả giá. Hắn dám hi sinh, cả điều không thể hi sinh: tự do của vợ, con… Trong lịch sử Thiền học, muốn đạt đến chân lí, không ít người học đạo còn phải trả giá bằng tính mạng của mình nữa!

Học, không phải để mưu lợi mà để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức. Quan niệm duy ý chí đầy “quá khích” ấy về sự học của giới trí thức như một đối trọng với quan niệm dân gian Cham rất thực dụng:‘Akhar ôh buh tamư gok lithei’: Chữ không bỏ vào nồi cơm được. Cả hai bổ sung cho nhau.

Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình: nô lệ vật chất, đặc biệt là nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi. Hãy đi một mình, và thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.

Như một Thiền sư: “Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *