Lãng du thế giới tháp Chàm-12. ĐÂU LÀ KHUÔN VIÊN ĐẤT THÁP?

Đất tháp rộng đến đâu? Hãy nhìn văn hóa Cham từ Cham.

Cham quản tháp mà như không quản: không rào, không “chăm sóc”. Tháp Pô Rômê, ngày trước mỗi khi có lễ, anh chàng người Raglai mới trèo lên và bò xung quanh ‘kalan’ làm sạch cỏ cây.

Đất nước thống nhất, tháp Pô Klong Girai ta xây thành và dựng cổng ở mặt đông, đến thập niên 1990 thì xây khu sinh hoạt như hiện tại, bán vé, và rồi là… tiệc tùng.

Nhà nước giành quyền quản lí tháp từ khi nào?

Sau 1975, có thể phân Cham làm bốn nhóm: Phần đòi lên núi “làm nước”, phần thì theo chính quyền nịnh bợ, hai bộ phận này chiếm số lượng nhỏ; phần lớn cả ngày lo kiếm sống, còn lại là e dè, nhất là cánh chức sắc ‘Halau janưng’.

Tuyệt không có một tiếng nói phản biện. Chăm sóc tháp, ai nói sao cũng dạ vâng.

Chùa chiền thì được sư sãi quản lí chặt, tháp vì ta mặc cho gió mưa, Nhà nước kêu tôi quản lí nhé, thì ừ. Và tháp được quản đến tận hôm nay, theo thể điệu chính quyền. ‘Pô Adhya’ tháp Pô Klong Girai bệnh lên bệnh xuống cũng do cửa tháp mở tùy tiện.

Cũng như ‘Ghur’ bên Bà-ni hay ‘Kut’ bên Bà-la-môn, đất tháp không có ranh giới. Cham chỉ hiểu cả khu vực rộng lớn là đất thiêng bất khả xâm phạm. Cho đến 1975… Nhà nước xây tưởng thành rào, ừ cũng được đi, để bảo vệ tháp, và kiếm ngân khoản nuôi quân và tu bổ tháp.

Dẫu sao đi nữa cũng cần học biết: Tôn trọng tính linh thiêng qua con mắt nhìn của chính chủ nhân tháp: CHAM.

Thế thôi, cũng đủ.

Katê, Cham lên tháp cúng tế khoảng hai tiếng. Không diễn văn, không văn nghệ, càng không ăn uống trên tháp. Sau lễ, bà con chỉ dùng một ít lễ vật cúng tế lấy lệ. Nhìn chung, lễ dù linh thánh, thiêng liêng nhưng khá sơ sài.

Trở nợ xong, thì về. Và để thần linh xung quanh canh giữ tháp. Nhớ, cuối thập niên 1960, Đại úy Dương Tấn Sở, thầy quản đốc Thành Phú Bá, và anh giám thị Po Dharma cùng học sinh Trung học An Phước công lớn trong việc tổ chức nề nếp cúng tế trên tháp Pô Klong Girai.

Xong Katê trên tháp, bà con về Katê ở ‘danook’ nhà ‘Pô Adhya’, sau đó mới đến Katê làng. Katê-làng mở rộng như hôm nay khi năm 1975 Chakleng khởi đầu bằng việc mổ trâu tế, rủi là trâu mẹ mang bầu nhỏ. Cuối cùng là Katê gia đình.

Và Cham “ăn Katê” đến hết tháng Bảy lịch Cham. Xưa thì cúng trả nợ, chớ nay sau ba ngày lễ là ta tiệc tùng linh đình nhậu nhẹt.

Thần linh ta bị đánh cắp, hay ta tự đánh mất thần tính?

Tanưh Yang’ đất thiêng

Tháp Cham có 7 phong cách lớn, tùy địa thế, địa hình và quan niệm các triều vua mà có vài thay đổi khác nhau. Tháp Pô Klong Girai là cụm tháp chuẩn nhất theo cách nhìn của Cham Pangdurangga.

Dưới đây là vài kiến thức cơ bản rất nhiều “nhà” bỏ qua, kể cả vài nhà Cham. Bỏ qua, bởi các vị lo làm “khoa học” mà quên béng linh hồn của tháp, cả tâm linh dân tộc làm nên tháp và đang thờ phụng tháp.

Nghiên cứu làm gì cơ chứ, khi ta không cần biết đến chủ nhân kia?! Tôi ưa đùa: Các vị làm luận án cất vào kho cho nghiên cứu sinh đi sau tham khảo làm luận án tiếp tục lưu kho.

Nguy tai, nguy tai! Trong khi ngoài kia, dòng đời trôi đi theo thể điệu rất khác, bấp bênh khôn lường.

Đâu là phạm vi không gian tháp?

Như một ‘wang paga’ khuôn nhà Cham chuẩn, luôn có 3 phần: Nhà, sân trước nhà dành cúng tế, sân xung quanh, và ‘takak” (vườn rau nhỏ trong khuôn nhà). Cham xác định khuôn nhà bằng lối đi 3 mặt: đông, tây và nam. Ngoài lối đi kia thuộc về khác.

Cũng hệt, phạm vi không gian tháp Pô Klong Girai gồm 3 khu:

Khu [1] “Kalan’ tháp chính và 4 “Nhà” cùng khoảng đất xung quanh dành cho tín đồ cúng tế;

Khu [2] Bbôn Hala Đồi Trầu, khu này hiện còn nhiều di tích chưa khai quật, ở đó bia kí mặt nam đang lộ thiên;

Khu [3] Phần không gian rộng lớn gồm mặt đông, tây và nam của khu [1&2].

Tanưh Yang’ đất thiêng của tháp nằm gọn trong đó. Bên ngoài 3 khu ấy giới hạn bởi ‘jalaan’ đường hướng đông, ‘bbaak’ lối đi ở hướng nam, là thuộc về sinh hoạt đời thường.

Agal KINH SÁCH và Cham QUAN NIỆM như thế. Nhiều người thiếu hiểu biết căn bản, thành nói năng mù mờ. Hiện tại, khu [3] được BQL di tích ngăn làm 2 phần:

[3-1] Từ cổng ngoài đến cổng soát vé: Có căng-tin, chỗ giữ xe, nhà vệ sinh…

[3-2] Từ cổng soát vé đến chân Đồi Trầu, có: Nhà trưng bày, gian làm gốm…

Hiện nay, ‘Halau janưng’ và tín đồ Cham chấp nhận không gian từ Cổng soát vé [3-2] đến Khu [1] là: ĐẤT THIẾNG bất khả xâm phạm.

Chỉ khi phân biệt sáng rõ như vậy ta mới xác dịnh được đâu là khoảng cách “gần 1km”, “hơn 1km” và “01km” chẵn. Còn không thì ta cứ mù mờ, và lập lờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *