“Là thi sĩ nghĩa là ru vơi gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” – Xuân Diệu.
Mơ mộng, mộng tưởng, tưởng tượng và liên tưởng là căn tính của thi sĩ. Chả có gì đáng nói. Phiền là, có kẻ thi sĩ mong được thiên hạ nhìn thấy mình đang mơ mộng, chiêm ngưỡng mình đang mơ theo trăng – để được gán nhãn hiệu là nòi thi sĩ chính hiệu con nai vàng!
Cặp nách tập thơ mới in, đóng bộ veston cravate rất mực [nực chết đi được], dzọt ngay về quê, miệng ngậm pipe ngồi quán cà-phê [toàn tiếng Tây], và rung đùi… “vơ vẩn cùng mây”. Có ai chiêm ngưỡng mình hay không chả biết, “ru với gió” cái đã.
Ngồi mãi chả thấy ma nào hỏi han tới, chàng ta liền ngồi dậy, bước đi. Với dáng bước đúng điệu thi sĩ: “mơ theo trăng”.
Nhưng, thi sĩ cứ phải là thế mãi sao?
Không ít người làm thơ Việt Nam đồng hóa sáng tạo với trò chơi, thứ trò chơi bé con theo lối nghĩ bé con. Càng không ít người ở hợp tác xã chữ nghĩa ấy cho làm thơ không cần… học.
– Tưởng bở!
Mong “ru với gió”, con diều cần đến sợi dây kết liên với mặt đất; muốn bay cao để có thể “mơ theo trăng”, sợi dây kia cần đến cái cọc cắm sâu vào lòng đất đen.
Không mơ mộng, bạn không thể là thi sĩ; còn tham vọng làm nhà thơ lớn, bạn biết hóa giải nỗi mơ mộng mây gió kia bằng lặn sâu vào lòng hiện thực. Hơn thế, cần trui luyện lò lửa thực tế, thực tiễn, thậm chí – thực dụng!
Bạn nỗ lực kiếm tiền, để nuôi sống xác phàm bạn;
Bạn độc lập về vật chất, để tinh thần bạn tự do;
Bạn tối thiểu hóa cuộc sống thường nhật, cho tâm hồn bạn siêu vượt…
Nghĩa là, bạn cần vượt qua Xuân Diệu thời lãng mạn, để tiếp cận chiều kích Goethe; hay ít ra cũng ở cõi miền… Inrasara!