Tôi được cho là nhà nghiên cứu, của đáng tội – tôi hay đùa mấy ngữ này, cái tủ đựng hồ sơ ấy! Tôi từng [và còn] hãnh diện về các khuôn mặt nghiên cứu Cham, khi so với anh chị em trên Cao Nguyên; hãnh diện rồi cật vấn: Để làm gì, mớ ba mớ bảy đó?!
Nghiên cứu để cất thư viện cho kẻ sau đến nghiên cứu cất thư viện… Rồi mỗi tiểu luận đăng lên, mỗi cuốn sách in ra làm cái TÔI phồng lên như bảnh nở ấy!
Thời gian qua, cộng đồng Cham nẩy nòi hiện tượng tranh nhau khoe của , khoe “giàu”; hết đua nhau ăn diện, ăn chơi đến giành nhau lên phây khoe sang, khoe “hạnh phúc”.
Phía khác, Cham một thời đua nhau làm thơ; hôm nay ta cạnh tranh nhau làm nhà… nghiên cứu. Nguy tai, nguy tai!
Nietszche: Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào ôm mang sa mạc!
Nghiên cứu…
Không phải bây giờ, ngay từ 30 năm trước, ở công trình “nghiên cứu” đầu tay: Văn học Cham khái luận-1994, tôi đã cảnh giác CHÍNH TÔI. Ở phần dẫn nhập:
“Vì đối tượng phục vụ là đông đảo công chúng, thế nên lối viết và cách trình bày không giống sách giáo khoa hay một công trình thuần túy khoa học.”
E rằng thế hệ đi sau thấy công trình đồ sộ này, bắt chước làm theo, mà… nghiên cứu, thế nên ở phần kết, tôi lặp lại:
“Đâu là tâm hồn Cham? Độc giả hẳn sẽ hỏi thế. Câu trả lời là, tâm hồn Cham bàng bạc trong văn chương Cham. Trả lời như thế coi như chưa nói lên gì cả! Cũng một lần xin độc giả miễn thứ là chúng tôi không phải làm khoa học thuần túy, nên sẽ không có kết luận rõ ràng minh bạch nào cho vấn đề được nêu ra. Và, cũng không nên khuôn định tâm hồn Cham vào cái khung cứng ngắc của từ ngữ hay các khái niệm trừu tượng.”
Ở tập thơ đầu tay: Tháp nắng-1996, trường ca “Quê hương” – tôi cảnh báo CHUNG:
“Có đất nào như đất ấy không?…
Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ
Thế giới rộng lớn vô cùng, ta ngồi nhà đóng cửa
Dòng sống phong phú dường bao, ta mãi đứng bên bờ
Như con rắn nằm cuộn tròn ôm giấc mơ xưa
Tàu cuộc đời vụt qua cho ta hoài lỡ chuyến”
Rồi trong tiểu thuyết đầu tay: Chân dung Cát-2006, tôi quyết liệt và CỤ THỂ hơn:
“Jaklan còn hơn thế, nhìn xa hơn – hắn muốn ngồi thật lâu dài (cả sau nhập Kut) trong kí ức nhân loại. Thuman gọi đó là sợ hãi siêu hình: sợ không để lại dấu vết nào cả khi bị quét văng khỏi mặt đất.
Nhưng hắn chả có lấy một gờram mỡ trông rộng, Thuman minh giải tiếp:
– Như các vua Champa mà tên tuổi khắc trên bia tháp chỉ còn là những les ruines kia đã không trông rộng. Dấu vết nào bất kì luôn gắn với nền tảng rộng lớn hơn, chắc chắn hơn để mà tồn tại thời hạn khả thể trong cái vũ trụ mênh mông bất khả tư nghì kia. Đằng này các Indra, Jaya, Simha vân vân ‘varman’, từ thứ nhất cho đến vô cực (ví mà lịch sử cúi xuống chiếu cố) chỉ chăm lo cho vụ khắc tên mình lên bia đá đem gắn chặt vào cái tháp (dẫu khá chắc chắn) được xây từ bòn rút của cải dân mà chả tẻo teo quan tâm đến cần thiết làm sao cho dân được no ấm trước tiên, đất nước được tồn tại sau đó, như là nền tảng của nền tảng là ngôi tháp kia tồn tại cho dấu vết là tên tuổi nhỏ bé khốn khổ của mình được ăn theo mà đọng lại.
Còn Jaklan?
Hắn làm khoa học, ba chân tám cẳng chạy vạy ngược xuôi cho dấu vết mình được các chuyên gia tận thế giới nào xa xôi xoa đầu có nhiều cố gắng cứ như thế như thế thì rất tốt em ơi mà không hiểu rằng nếu phó mặc quần chúng gần gụi “tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” mãi bị mù và tái mù thì có khác gì thả cho đầu của sợi dây kia bị sút hay đứt đuôi con thằn lằn, hỏi còn gì cho cái tên tuổi Jaklan-dân Chakleng-sinh Đinh Dậu bám lấy mà kí sinh, dẫu ở bề đồng đại hay lịch đại?”
Sa mạc lan dần…