Cham không có tôn giáo, vài vị kêu thế, và rung đùi với phát hiện kia. Nhảm! Ta mang thước thợ mộc nào đó ra đo, khi thấy Cham không trùng khớp thì hô: Cham không có tôn giáo.
1. Quần chúng nói chung thường có lối nghĩ đơn giản.
Bên là tư duy CẮT LÁT. Không ít người bảo: P-P Văn Ngọc Sáng là đầu mối của mọi rối rắm, triệt hắn là quyết toán vấn đề. Nhưng triệt Sáng này sẽ có Sáng khác lòi ra.
Bên thì tư duy BỔ CỦI, kiểu cho rằng: Do cúng tế mà Cham mãi lạc hậu. Hoặc chánh trị hơn: Nếu Cham theo Islam hết, Hồi giáo quốc tế sẽ giúp Cham mạnh lên. Có thế đâu!
Cả hai loại tư duy chỉ thấy một góc, mà không nhìn ra toàn cảnh vấn đề. Bộ phận Cham còn lại chả làm gì hơn ngoài than vãn, và chửi vu vơ!
2. Làm gì? Cần TƯ DUY CHUỖI.
Vấn đề nào bất kì luôn sanh ra qua loạt nguyên nhân, từ vô số sự kiện đan xen, tiếp nối. Thử xâu chuỗi…
Champa mất nước, kinh sách thất tán, những gì còn lại chỉ là mảnh vụn chắp vá. Cộng đồng Cham tản mác, mỗi nơi hành lễ mỗi khác, tạo ra bao nhiêu sai biệt. Thêm món tinh thần tùy tiện, lễ lạt tùy nghi, gây khó cho nhau.
Bản chất tôn giáo Cham thiếu chặt chẽ, và khá tự do. Quần chúng chưa hiểu đủ về bản sắc hay-đẹp của ‘Ahiêr Awal’, mà chỉ chăm chăm vào bề tối, phần tiêu cực, từ đó thành phần hám lợi nhảy vào thao túng.
3. Đâu là tôn giáo Cham?
‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo dân tộc, như đạo Do Thái của người Do Thái hay Shinto của Nhật. Ở đó, có “giáo chủ”, “giáo đường” và “giáo lí” đủ cả…
[1] Đấng tối cao đã nhạt nhòa, thay vào đó là: Pô Yang và Muk Kei;
[2] Kinh Agal Ahiêr rút phần nhỏ kinh Bà-la-môn, còn Agal Awal rút phần nhỏ Kinh Qu’ran;
[3] Nơi tập trung ‘ngak yang’ cúng tế, có: Bimông Kalan, Sang Mưgik, Danook…
[4] Tín đồ là: Cham Jat, Cham Ahiêr và Cham Awal.
4. Các điểm sáng nhất của Tôn giáo Cham:
– Cham HÓA GIẢI ISLAM thành Bà-ni, một hiện tượng duy nhất trong lịch sử nhân loại. Là bài học lớn cho thế giới hôm nay: các ý hệ xung khắc đến đâu vẫn có thể ngồi chung.
– Ahiêr-Awal – sáng tạo độc đáo của Pô Rômê, là TÔN GIÁO DÂN TỘC, làm ĐA DẠNG tư tưởng nhân loại.
– Nếu “độc đáo” kia mang tính phá hoại, làm suy đồi con người, thì có nên giữ không? Chắc chắn là không rồi. Ahiêr-Awal là tôn giáo HÒA BÌNH & HÒA HỢP. Non 4 thế kỉ sống chung, chưa hề có dấu vết xung đột giữa hai hệ phái ‘Ahiêr Awal’. Chức sắc hai tôn giáo thường xuyên ngồi lại để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhuần nhị và êm đẹp.
– ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo mở, đức tin mềm rất thích hợp với thời hậu hiện đại trong “thế giới phẳng”.
Tạm nêu ra 2 kết luận:
[1] Cham sống xen cư và cộng cư với Việt hơn 200 năm mà không bị đồng hóa, do văn hóa Cham có sức mạnh nội tại khó bị phá vỡ.
Song nếu “sức mạnh nội tại” ấy cứ khư khư ôm lấy mình và chỉ biết có mình, nó thành cái xác khô cứng. Lạ, ‘Ahiêr Awal’ không đóng mà rất mở.
Vì MỞ, cộng đồng ấy nẩy ra nhiều sáng tạo; cứ nhìn thế hệ Cham Pangdurangga hôm nay cũng đủ biết.
[2] Do MỀM, tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ dễ bị tổn thương.
“Không ai
tim dễ tổn thương hơn trái tim chúng ta
phía mất mát” (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Chúng ta từng bị mất mát và bị tổn thương. Dẫu sao, Cham mềm, chứ KHÔNG YẾU.
Phước Nhơn, qua xung đột với ‘Jawa lai’ thập niên 1960, nếu không mạnh Bà-ni đã mất từ lâu.
Cứ nhìn sự phản kháng của anh chị em Bà-ni hồi Ramưwan 2021 cũng đủ hiểu. Hoặc có tận mắt thấy quý bà mang vũ khí đặc dụng chuẩn bị đón “đoàn hành hương” ở Pabblap Birau mới biết cơn giận kia mạnh thế nào.
Nó gửi đi MỘT THÔNG ĐIỆP dứt khoát.