Ramưwan buồn-10. CHẤT TRỤ-bis

“Ramưwan buồn-8”, tút về “Bà-ni thiếu chất TRỤ” vừa lên, bà con ủng hộ khắp, mỗi một bạn phản ứng gắt. Có thể vài người nữa không thích lối đùa [có khi nhạt hay vô duyên của tôi], họ cho qua – riêng bạn này dừng lại, dũng cảm bày nó ra. Rằng bài viết “kì, tệ hơn VNS” và kêu tôi xóa đi, rằng Inrasara không học thuộc “5 điều bác Hồ dạy”, rằng tôi tự hạ thấp mình, vân vân.

Tôi còm đáp lại. Tóm ý:

– Bạn không bàn trực tiếp ý chính của bài viết, mà lạc sang công kích cá nhân người đối thoại, là sai.

– Bài viết đưa ra 3 ý rất rõ ràng:

Thứ nhất, tôi đã nhiều lần làm TRỤ; hiện Bà-ni đang khủng hoảng, dù được yêu cầu – vì lí do tế nhị tôi không thể vào cuộc.

Thứ hai, lúc này trước vấn đề nóng này, ai là NGƯỜI có thể làm trụ để Cham trông đợi – là điều ta đang thiếu.

Cuối cùng ngay DIỄN ĐÀN để tập trung thảo luận và đấu tranh, ta cũng thiếu. Bạn né tránh cả 3 ý đó, là hỏng.

– Thế là bạn này xưng “tiến sĩ Thành Thanh Dãi”, tôi mới nói rằng Ở ĐÂY không đòi hỏi tiến sĩ hay ai khác nhân danh này nọ, mà cần người biết đi vào trọng tâm vấn đề. 3 câu hỏi:

Bà con Bà-ni đang thiếu chất trụ, có phải không?

5 yếu tố làm nên chất TRỤ được nêu ra, đúng sai chỗ nào?

Và làm sao chất TRỤ ấy xuất hiện sớm nhất để tháo gỡ vấn đề?

Nhắc lại, ngoài DIỄN ĐÀN chung, về yếu tố CON NGƯỜI, cần:

[1] Hiểu biết căn bản về tôn giáo, phong tục tập quán dân tộc;

[2] Qua đó ta mới có thể gặp và trao đổi thoải mái cùng chức sắc, cả Cham Ahiêr lẫn Awal.

[3] Người có tâm tính dễ hòa đồng với quần chúng;

[4] Đồng thời có thể đối thoại với chính quyền.

[5] Cuối cùng, đó phải là kẻ có khả năng đánh đổ các luận điểm của đối thủ.

Giai đoạn vừa qua, tôi đã từng TRỤ, hỗ trợ Cham hiệu quả nhiều sự vụ. Tạm nêu 2: Chuyện thay đổi tên tôn giáo trong CMND 2017, qua 2 năm không ai làm, tôi đứng ra TRỤ. Chuyện Ghur Raneh bị xâm hại, vào năm 2012 – sau hơn 10 năm chờ, không ai chịu làm, tôi nhập cuộc làm TRỤ.

Nói cụ thể như thế, để biết bất cứ vấn đề nào cũng cần người lĩnh xướng, từ đó mọi người tập trung vào đó, góp tiếng nói, hợp lực và sáng ý giải quyết sự vụ.

Ngoài lề.

Về khiêm tốn, tôi đã giải minh đôi lần, vậy mà vài bạn cứ dị ứng. Ngỡ là thương Sara ghê lắm, thật ra chỉ sợ mình bị lép vế. Cạnh tranh nhau chi chuyện vặt này không biết!

Tôi được/ bị ca tụng nhiều rồi, có khi ca quá nữa đến nỗi tôi phải hạ nhiệt, hà cớ phải tự khoe thêm? Được cái gì ở đây cơ chứ!

Nữa, cho dẫu tôi có tánh ấy thiệt, khoe dài, dai và dại, thì Bà Trời đã sinh ra tôi như thế – chịu thôi, la làng chi cho khộ. Cứ tập trung bàn vào việc, hoặc bỏ qua không thèm đọc, chẳng sướng sao.

Kết. Ở đây thấy vị này lạc đề quá xá, tôi mới kêu: Bạn còn tiếp tục, Sara xóa đó. Vậy mà ấy cứ một mực, thế là block luôn, cho nhẹ đời.

P.S.

– Về tút này, các bạn chớ cho “Chàm lại cãi nhau”, mà nên hiểu đây là thao tác cần thiết. Rằng, trước một bài viết có ý tứ rõ ràng, ta biết tập trung vào Ý CHÍNH mà bàn, bỏ qua mấy TIỂU TIẾT lặt vặt, càng tránh xa CÔNG KÍCH CÁ NHÂN.

– Văn giới không phải không phạm lỗi tương tự. Trao đổi về thơ hiện đại, khi đuổi lí, một nhà thơ quay sang công kích cá nhân tôi: “… điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!” (Anh Chi, Nhân dân Cuối tuần, 2013). 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *