RAMƯWAN BUỒN, CÓ NÊN GIẬN… TÔN PHO KHÔNG?

Pacam, làng cuối cùng của Cham miền Trung. Nếu Bumi kẹt lại do muộn “chờ tàu”, thì Pacam chạy loạn lên đến đây thì tự dừng lại.

Suối Cát khá lớn, mang nước dẫn ngược lên sông La Ngà nằm phía đông bắc làng hiện tại bốn cây số, rồi đổ vào sông Đồng Nai. Đoàn di dân không đi tiếp, dựa lưng vào núi, trụ lại. Có giặc là biến, an toàn.

Ngày xưa, khu vực Danao Galơng bên kia sông La Ngà cách làng hiện tại về hơn mươi cây số là dân tộc Churu, bên này: Danao Hling gọi là Khu Chôm Nhỏ thuộc Cham. Ở đây có ‘Ghurrak’ “nghĩa trang cổ” qua thời gian bị xâm lấn, nay chỉ còn khoảng một sào rưỡi đất cạnh đường Trần Hưng Đạo. Cham Bà-ni ở đâu dựng Ghur ở đó.

Thời Pháp, ông Rois gom dân các nơi về lập ấp ở đất cũ, đến thời Ngô Đình Diệm 1959, lần nữa bà con bị dồn về làng hiện tại. Kể rằng, ông Tây này có vợ Cham, sinh được một trai một gái. Con trai mất dăm năm trước, con gái đương “chức” ‘muk buh’ của làng. Thân ông bị Việt minh giết, không lâu sau đó bà vợ cũng đi theo luôn.

Buổi tối trong Sang Mưgik palei Pacam, một vị khách phương xa khéo ăn nói, kêu rằng, Pacam không có dấu vết trong sách vở Cham, nên rất khó nói về. Tôi khá ngạc nhiên, bởi ngược lại: nhiều, không đếm xuể. Ở đó Ariya Twơn Phauw là một.

Một thôi mà bao nỗi đau dồn tới. Sau này năm 1972 rồi 1974, do ‘khang akok’ “cứng đầu” 99ch]x dân ở đây dùng] – ‘dran’ ngang bướng không khác palei Bblang Katheh ở Panrang- , Pacam hai bận bị tan cửa nát nhà. Không nghèo mới lạ.

Trở lại với Ariya Tôn Pho, một trường ca khá nổi tiếng ra đời vào cuối thế kỉ XVIII…

Twơn, Tôn: một chức sắc thuộc hàng giáo phẩm Hồi giáo. Tôn Pho là Cham Islam, từ Cambodia về vùng Bicam thuộc Phủ Bình Thuận gây chiến ‘pablong kaliin’, phục quốc.

Dân Cham hồi cuối thế kỉ XVIII đầu XIX đã buông xuôi, chỉ mong tìm yên ổn, thoáng nghe “Minh Mạng mai” đã vãi cả linh hồn nói chi kháng chiến. Họ đã oải quá rồi với bao cuộc đổ máu vô vọng. Twơn Phauw biết thế, bèn chơi chiêu khác:

Vừa tới Bicam, ông cho dựng ‘kalan’, xây lâu đài bảy tầng, đổ cát luyện binh và làm nhiều phép thuật [như nhai đường phèn to quá cục đá] khiến mọi người mở to mắt mà nể phục, tôn ông làm Hoàng đế.

Từ lừa bịp, hăm dọa đến khủng bố cũng không chừa:

Likau Pô jôi pamưtai khol dahlak yau athau’:

“Xin Ngài đừng giết chúng tôi như chó”

Ông vội vã tập hợp Cham, Churu, Raglai, Hơho cùng vũ khí thô sơ quyết đấu với quân Chúa Nguyễn gồm Kinh, Cham và Cham-Yôn – được trang bị cả súng Tây – dưới xuôi. Hãy xem đội quân của Tôn Pho.

Dui thruuk min tangin tatơk drei jan’:

“Lên dây cung mà tay run lẩy bẩy”

Thê thảm không tưởng! Vào cuộc, ông trúng đạn bị thương, bỏ chạy. Ông tiếp tục dẫn tàn quân qua các vùng khác chiến tiếp. Thời gian: “di thun Inư Girai bilaan Tajuh”: tháng Bảy năm con Rồng, đến “tal thun Ula Neh bbôh crih”: năm Tỵ thì thấy điều lạ…

Điều lạ ấy là, quân Nguyễn phá nát làng Bicam, tàn sát dân lành, tóm hết người nữ mang vào Đồng Nai bán, số còn lại đuổi xuống miền Pajai. Đoàn quân ấy rủa sả Tôn Pho không biết đâu mà kể.

Abih drei Cru, Raglai, Cam, Haho

Nhu chaap hatam Tôn Pho thunit ginrơh haget yau ni

Takai đôic min pabah tapah xari’:

“Người Cham, Churu, Raglai, Kaho

Họ rủa sả Tôn Pho tài phép sao lại thế này

Chân chạy, miệng nói tiếng thề chừa…”

Sau đó ông đi đâu không ai biết, trường ca kết thúc bằng câu: “Tan nát rã rời bị ném vào Vua Thần Lửa”.

200 năm sau tôi qua Cambodia, bà con bên ấy hỏi: ‘Pak palei Yôn’ “bên xứ Việt”, con cháu Tôn Pho có còn ai không? Nghĩa là ông rất nổi tiếng. Ông ra đi, tên tuổi, danh dự, vết thương và nỗi nát tan ở lại.

Để làm gì, cuộc chiến trứng chọi đá vô vọng ấy? Chỉ có 1 từ: ‘min drei nhu kađa’: mình được họ nể vì! Thế thôi. Cham nói: ‘Dak lihik kabao yau, ô dak di mưlau bbook’: Thà mất đôi trâu còn hơn xấu mặt.

Ôi, truyền thống!

Thế hệ Cham hôm nay có ai thuộc lòng bài học ấy của lịch sử!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *