Tôi 119. Hạnh phúc-3. LÀM GÌ ĐỂ THÀNH CÔNG?

“Gì anh Sara cũng có thể làm được, ngoại trừ… tham ô” (Trích phát ngôn của thi sỹ Lý Đợi tại cà-phê vỉa hè Phan Rang, sáng 2-5-2021)

*

Dẫu sao đi nữa, tôi sớm ý thức về hạn chế của mình, bởi cá nhân nào bất kì không thể thoát ra khỏi môi trường hắn sống. Tự nhiên và xã hội, con người và quan điểm tôn giáo, nền giáo dục và chế độ chính trị…

Từ 3 “thất bại” lớn đã kể, tôi hạ bớt cấp độ của MUỐN.

[1] Mươi năm qua, gặp các bạn trẻ Cham có vẻ thế giá, câu hỏi tôi đặt ra là: Bạn muốn gì, muốn như là muốn?

Hầu hết đều, hoặc lúng túng hoặc mơ hồ, còn lại không gì cả! Cuộc đời quanh quẩn cho xác thân cơm no áo ấm, nhà với xe, chuyện vặt vãnh hoặc nếu ra vẻ xíu thì phê phán [sau lưng] chế độ, than vãn tình trạng xã hội này nọ, vân vân. Ngoài ra không gì khác, không gì hơn. Dường mọi lỗi đều ở chỗ khác, bởi ai khác, chứ không phải mình.

Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con… (Chế Lan Viên)

Ở tút kết cho năm 2021, tôi viết: Chữ nghĩa của tôi năm qua, ngoài việc lên tiếng về môi trường trái đất, tất cả xoay quanh hai trục chính:

– Làm sao Cham tồn tại như là Cham, và làm thế nào cộng đồng đó có được “cuốn sách cầm tay”, để dù lang bạt bất kì đâu, vẫn có thể tồn tại?

– Làm thế nào để các dòng văn học ngoại vi hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học Việt Nam đa dân tộc?

Điều ấy nói lên tôi biết tôi MUỐN GÌ WHAT.

[2] Còn TẠI SAO MUỐN để trả lời cho câu hỏi WHY?

Trở lại với thắc mắc năm ngoái của Út tôi: Cớ gì phải bảo tồn truyền thống dân tộc?

Miễn nói đến việc tôi và em có mặt hôm nay là nhờ ông bà lọt sàng sống sót trước đó. Thế hệ ấy đã làm tất cả, để sống còn và truyền thừa nòi giống. Ừ, nói vậy nghe xa vời quá, hãy nhìn thẳng chuyện cụ thể hơn.

– Cham và văn hóa Cham là “chủng loại” đặc thù cần bảo tồn, như UNESCO bảo tồn loài vật quý hiếm. Chủng ấy làm phong phú sắc thái nhân loại.

– Văn hóa của dân tộc đó, hiến cho thế giới món độc đáo: Tháp Chàm, ban cho Việt Nam tặng phẩm quý giá: Hải sử và Văn hóa biển.

– Dân tộc đó sở đắc thứ tôn giáo hòa bình và nhân bản: Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ có khả năng hóa giải và hòa giải các ý hệ xung khắc đến không đội trời chung, là bài học cần thiết cho nhân loại hôm nay.

Bùi Giáng: “Người còn thì của mới lai rai còn

Người Cham [như là Cham] còn thì tinh thần văn hóa Cham mới còn. Đó là câu trả lời cho câu hỏi WHY cho “người Cham” và “văn hóa Cham”.

[3] Văn học ngoại vi bị kì thị và bị đẩy ra ngoài lề.

Tôi MUỐN người đọc Việt Nam biết thảm trạng đó, tôi quyết làm cho các dòng văn học ấy có mặt trong thế giới chữ nghĩa Việt, để không chỉ độc giả được hưởng lợi, mà cả nền văn học đa dân tộc Việt Nam có cơ hội mở mặt với khu vực và thế giới..

TẠI SAO? Vì phân biệt đối xử ấy gây thiệt thòi lớn, chẳng những cho độc giả mà cho cả nền văn học Việt Nam nhỏ và yếu. Vậy, tôi làm thế nào HOW?

Trước hết tôi điểm danh: Nền năn học miền Nam trước 1975, văn học Việt hải ngoại, văn học dân tộc thiểu số, sáng tác tỉnh lẻ và vùng sâu vùng xa, các tác giả phi chính thống, tác phẩm in ngoài luồng, văn chương mạng… trong đó có nền văn học cổ điển Cham.

Tôi nghiên cứu và phê bình, viết báo và in sách, diễn thuyết và luận chiến, hết mình để chúng có mặt công bằng và sòng phẳng, như chúng xứng đáng được như thế.

Kết. Khi đã biết thân biết phận để hạ cấp độ MUỐN, đến hôm nay, về…

Văn học Cham – tôi đã thành công; văn học ngoại vi các loại – tôi được ghi nhận;

Sáng lập đặc san Tagalau cho Cham; lên tiếng về các vấn đề cộng đồng Cham, để Cham biết mình vẫn có tiếng nói nhất định để, “nếu không sợ những điều không đáng sợ, trí thức Cham vẫn có thể làm được nhiều điều cho cộng đồng” (tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1-2006) – tôi thành công;

Và nhiều thứ lẻ tẻ khác nữa. Vậy, “tôi là sinh linh hạnh phúc nhất” rồi là gì!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *