Tôi-115. NHIỀU CHUYỆN THÌ LẮM CHỮ

[Đa hệ, đa giọng điệu, đa phong cách, và gì nữa…]

Năm 1999, tặng Hành hương Em mới in cho yut Đảo, yut đùa: Inrasara quanh đi quẩn lại ăn hiếp mỗi tháp Chàm, cây xương rồng với sông Lu…

Có thể thôi mà tôi đốn ngộ. Ừa, sao lại thế nhỉ, trong khi bụng mình chứa cả kho đề tài, từ vựng.

Tôi được Bà Trời phú cho trí thông minh ngôn ngữ, nghe đâu nhớ đấy, đọc đâu thuộc đó, thế mà đời học trò – tôi lại là học sinh giỏi môn toán. Sau này làm Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp rồi kế toán cơ quan hành chính, tôi cũng thuộc hàng xuất sắc.

Toán học giúp ta tư duy logic, làm việc khoa học hơn.

Hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau cho ta phong phú vốn sống lẫn giàu có và đa dạng ngôn từ. Chớ làm văn chương mà văn nhân chỉ biết có mỗi văn chương thì nhàm, nhảm. Kiểu đó khác gì, nói như nhà thơ Đỗ Quyên, “đẻ sách” từ sách.

10 năm trong môi trường sư phạm [4 năm ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm và 6 năm ở ĐH Tổng hợp TPHCM], 12 năm lăn lộn thương trường thực thụ [2 năm ở quê và 10 năm Sài Gòn], sau đó dấn thân lên tiếng về nhiều vấn đề xã hội cho tôi vô số kinh nghiệm sống, qua đó sở đắc cả đống ngôn từ chuyên ngành.

Nữa, tôi vốn mê triết học, tôn giáo, ngôn ngữ học và nhiều thứ khác là cả kho tàng chữ có thể đưa vào thơ, sao cứ quanh quẩn cùng tháp Chàm, sông Lu hay cây xương rồng quê hương! Yut tôi cười chí phải.

Ngộ, hiểu và làm qua đó, thơ tôi thay đổi hẳn. Thử “nghiên cứu mình”:

Tháp nắng-1996, chủ đề quê hương, ngôn từ trữ tình; Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002, là đề tài vừa chung vừa riêng, Cham và thế giới; ngôn từ “sang trọng”.

Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức-2006 với chủ đề là đời sống thực, ngôn ngữ đời thường. Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]-2012, Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ-2019 đề tài thời sự xã hội, ngôn từ linh hoạt và đa dạng ra vẻ toàn cầu hơn… 

P.S. Thơ & thơ Việt-39. LÀM KHÁC: SÁNG TẠO LÀ PHIÊU LƯU

Rất nhiều nhà thơ, một khi tìm ra giọng riêng của mình, bám trụ hẳn ở đó. Từ đó họ mở rộng thêm: đề tài hay giọng điệu, làm trương nở ra – nếu có thể nói thế, chứ ít khi thay đổi. Tôi ngược lại, mỗi tập thơ là mỗi khác. Bằng thể nghiệm: phong cách mới, thậm chí – hệ mĩ học mới. Tôi không cho nó hay, nhưng đó là cách phiêu lưu, của sáng tạo. 

Từ Tháp nắng-1996 lãng mạn hậu thời đến Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002 hiện đại, là cả một bước chuyển. Nó khác với Inrasara-cũ đến vài nhà phê bình từng yêu Tháp nắng, quay sang chê bai Lễ Tẩy trần tháng Tư. Bốn năm sau tôi khác tiếp: Chuyện 40 năm mới kể-2006 đến nỗi một bạn thơ từng ca tụng Lễ Tẩy trần tháng Tư đã không tiếc lời mạt sát nó.

Rồi từ loại thơ tân hình thức của Chuyện 40 năm sang Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]-2012, là một bước ngoặt khác nữa. Ở đây tôi đã vận dụng triệt để thủ pháp hậu hiện đại vào thơ thế sự. Cuối [chưa hẳn] cùng, năm 2018 với Sầu ca trên đồi cát Nam Kương, tôi xáo trộn tất tần tật mọi giọng điệu, hệ mĩ học vào chung một trường ca mà chưa hẳn trường ca.

Và gì nữa?

Sáng tạo là niềm vui. Khám phá ra giọng thơ của mình, là vui. Tìm thấy nó, rồi thay đổi nó khác đi, cho nó thành đa giọng điệu, đa phong cách – thì càng vui hơn nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *