Thuở bé, chuyện ông ngoại kể Pauh Catwai có thể đi qua lửa mà không bị cháy, ám tôi mãi. Vừa qua, lễ Tôn Tapah Lưu Sanh Thanh, ông Thắng ở Tabang kể chính cha ông là người mang cơm cho Ông Bbrao – ông cố bảy đời dòng mẹ tôi, người dựng Kut Gađak ở Chakleng – khi ông bị Tây bắt trói ở vùng Núi Kađuk. Ông Bbrao là sinh linh có khả năng đi trên mặt nước, tự tháo cùm sắt về thăm nhà rồi trở lại tra cùm mà Tây không hay biết…
Phần tôi, thuở lên đọc Ariya Glang Anak, tôi tưởng tượng ông đã đi trên mặt nước quay về đất liền, khi biết mình không thể “vượt biên” bỏ lại bà con đang mắc kẹt. Mảnh đất cuối cùng của Champa mất, như mọi mọi Cham, ông ra đi. Đến giữa biển khơi, ông dừng lại, ngồi đó và suy tư:
‘Dook tha drei tha jan di krưh hanrai’: Ngồi cô đơn một mình giữa cù lao…
Ông quay vào bờ, dắt díu 116 câu thơ trở về [bài thơ “Chuyện chữ”], bằng cách thế huyền bí ấy, ông truyền lưu trong Cham thi phẩm lớn nhất: Ariya Glang Anak – trường ca như là thông điệp cứu vãn cả sinh mệnh dân tộc trong cơn hoảng loạn chung.
Tôi đã tưởng tượng kiểu trẻ con, như thế.
Mang tinh thần ấy, lớn lên tôi đi vào cộng đồng dân tộc mình, trì trì băng qua bao ngọn lửa của lòng người và nỗi đời. Và cũng với tâm thế ấy, tôi dấn vào cuộc chữ nghĩa, thênh thênh với hậu hiện đại Việt.
Khởi đầu bằng “Sáo chộn với Bùi Chát” đăng Tienve, 21-12-2003, sau đó in ở tạp chí Thơ (Mỹ), mùa Đông 2003. Bài viết ngắn mà đã gây “xôn xao dư luận” đáng kể – ở Talawas, bởi đoạn văn:
“Thứ thơ rác [rưởi] đặc hiệu này lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, có lẽ. Nó mang trong mình làn gió thối thổi vào không khí thơ chúng ta. Nó buộc chúng ta quay lại nhìn nó. Và nhìn lại cả mình nữa! – Lâu nay, mình có quá thơm, quá diêm dúa lắm không!?”
Tiếp đến là bài thơ hậu hiện đại “Khóc Tây Tạng”-2009 cũng đã làm dư luận Tienve xôn xao mấy ngày liền.
Trước nữa, tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”-2005 thu hút các báo đăng cuốn theo dân chữ nghĩa bàn về nó. Năm 2010, Festival Thơ châu Á-TBD dừng chân ở Tuần Châu, tôi được bố trí chung phòng với nhà thơ Vũ Quần Phương. Sau cơm chiều, trước giờ giao lưu “quốc tế”, anh rủ tôi đi dạo.
– Một nhà thơ kêu cần “đủ cô đơn cho sáng tạo”, sao lại đi xiển dương các phong trào mang tính thời thượng, lại ca tụng Mở Miệng nữa… tôi không hiểu – anh nói.
– Đơn giản lắm, bởi anh chưa mang trong mình tâm thức hậu hiện đại… Còn tâm phân biệt là còn nằm ngoài chân trời hậu hiện đại…
Tối giao lưu, sau mươi phút thưởng lãm nhà thơ Đỗ Trung Lai diễn trò với khách “quốc tế”, tôi ngoắc Thủy Anna ra dạo bãi biển Tuần Châu, và thuyết về hậu hiện đại. Có lẽ cô nàng nghe tai này lọt tai khác, thế nên sau thập niên chả thấy chữ nghĩa Thủy Anna nhuốm màu hậu hiện đại đâu.
Khi ta còn tâm thế hướng tâm là ta không thể hậu hiện đại!