H[ậu h]iện đại Việt-24. TẠI SAO PHẢI HẬU HIỆN ĐẠI?

Thông minh có nhiều loài khác nhau, tôi đã bàn qua, miễn lặp lại.

[1] Hồi lớp Nhì, thầy Sắng cho bài làm, giờ ra chơi thầy khoe: Trong lúc các em làm toán, thầy cũng xong cái này, và đọc bài thơ 8 chữ 5 khổ. 7 năm sau gặp tại nhà chị Sĩ ở Phan Rang, tôi đọc cho thầy nghe, thầy há hốc mồm:

– Tao còn không nhớ mình có bài thơ đó nữa là.

Khi ấy thầy đọc qua một lần, tôi thuộc. Ngược lại bạn học tôi dù khá thông minh, đã tự nhận cả đời không thuộc nổi bài thơ một trang vở.

Mươi năm trước, giáo viên Sử cấp hai than thơ Sara khó hiểu. Tôi hỏi bài nào, bạn kêu tất. Này nhé… Tôi đọc bài “Nỗi buồn ứng trước”(1), bạn vỗ đùi cái rõ to: Dễ hiểu và hay lạ! Tôi hỏi tại sao, bồ biết không? Chính là nhịp điệu. Nhịp điệu làm nên bài thơ, bồ đã đánh mất, hay đúng hơn – không nắm được nó, thành ra thế.

Trước đề toán khó – người ta suy nghĩ tìm cách giải, chớ trước bài thơ, ta đọc lướt qua không hiểu thì bỏ đi. Lạ!

[2] Đăng bài “H[ậu h]iện đại Việt-13. Tân lạc hậu cảm thán”(2), bạn Kha Dang khá thân thiết với tôi, bình rất thực: “Theo mình cảm nhận, đây là bài thơ hay nhất của Sara”. “Hay nhất” – bạn nhìn theo mĩ học lãng mạn, hẳn rồi. Còn tôi xem đây là “bài thơ vui nhất tôi từng làm”, qua con mắt hậu hiện đại. Tại sao? Ở đó từ thể thơ đến mọi mọi chất liệu: cụm từ, thi ảnh lẫn nhịp điệu đều là cái cũ, tôi có mỗi nhiệm vụ “cut & paste” cắt và dán. Tôi thao tác khéo đến nỗi đại đa số độc giả xem đó là sáng tạo của… Inrasara. Sáng tạo theo mĩ học lãng mạn hậu thời, và khen hay!

Đây không phải lỗi ở kiến thức hay khả năng thưởng thức thơ, mà khác biệt ở hệ mĩ học. “Tân lạc hậu cảm thán” là một bài thơ không nghĩa. Hãy xem: “Sống cạn kiệt nỗi siêu hình lúng liếng”, rồi… “Cà phê đắng heo may chiều du mục”, gồm những câu chữ thời thượng được tôi lượm và ghép lại, mục đích: giễu nhại chính cái lãng mạn ấy. Cười chết đi được!

Chớ bài “Nỗi buồn ứng trước” viết thuở 25 tuổi có tứ rất rõ ràng. Nó vẫn còn nằm trong chân trời lãng mạn hậu thời, thế nên anh bạn ở [1] không khó tiếp nhận, khi nghe tôi đọc qua.

[3] Đến “H[ậu h]iện đại Việt-22. Chờ” viết năm 2012 [mới đăng, các bạn có thể đọc lại], bạn facebook Phạm Thành bình: “Chẳng biết mớ chữ lộn xộn này diễn tả cái gì nhỉ. Ai biết chỉ mình với. Nếu gọi là thơ hậu hiện đại thì vái cả nón”.

Không sai! Thơ không còn nhịp điệu của thơ 8 chữ ở “Tân lạc hậu cảm thán” để bạn cảm nhận, đánh mất luôn nhịp điệu của thơ tự do có vần của “Nỗi buồn ứng trước”, mà đã khác. Nhiều kĩ thuật rất khác.

Tôi trả lời ngắn: “Tác phẩm hậu hiện đại như là hậu hiện đại thì NỘI DUNG ĐÓ TỨC HÌNH THỨC ĐÓ”.

Bài thơ mang tên “Chờ”. Ai chờ? – Hắn, nhà văn. Chờ gì? – Đại khủng hoảng nguy cơ đẩy nhân loại diệt vong. Các sự kiện nóng, cộm đang diễn ra trên trái đất lướt qua tâm trí hắn, “đánh chiếm tâm hồn” hắn – đứt quãng và nhảy cóc [nhiều khoảng trống xuất hiện giữa dòng thơ, câu chữ thể hiện nỗi ấy. Krishnamurti: Tâm trí chúng ta không khác gì loài khỉ, nhảy liên miên từ cành này sang khác]. 

Hoang mang, tâm trí hắn nhảy…

Xa, “làn sóng dân chủ tràn vào mùa Xuân Ả Rập”, “chiến tranh Iran Israel chực bùng nổ”, “khủng hoảng nhân đạo Syria”…

Gần, “nguy cơ xung đột ngoài Biển Đông”, “năm vấn nạn ở Tây Nguyên”, “tham nhũng giáo dục kéo lùi Việt Nam”…

Sát cạnh, dân tộc hắn: “Cham Ninh Thuận bị lùa đi”, hay liên quan trực tiếp đến việc làm của hắn: “nền phê bình văn học vừa xuống cấp”, hoặc đời sống riêng tư hắn: “tin nhắn của Kamay”, “điện thoại Hani gọi từ Sài Gòn”…

Nhưng rồi, tất cả đều “không phải”. “Không phải” lặp đi lặp lại suốt bài thơ, đầu và cả cuối dòng. Vậy đâu là phải? Hắn không biết, hay chỉ là một thứ tự đánh lừa để xoa dịu tâm hồn?! “Thông tin mỗi giây phút làm thế giới chật chội hơn”. Duy điều ám ảnh hắn, là:  “trái đất sắp nổ tung… như một kết cục sắp xảy ra”.       

Và, chỉ là… “có lẽ”.

Tứ thơ rõ như ban ngày. Tâm trạng hoang mang cực độ ấy, thời sự cụ thể với nhiều khoảng gãy gập ấy không thể đòi hỏi nhịp thơ êm tai, réo rắt được; câu chữ không thể đều đặn, ngay ngắn cho được. Nó phải khác. Còn khác thế nào, khác đến đâu, và người đọc tiếp nhận ra sao, lại là chuyện khác nữa!

Phụ lục.

(1) NỖI BUỒN ỨNG TRƯỚC

Rồi một ngày em đi

xa cái Chạng gầy, bỏ bờ cỏ dại

xa tiếng mõ trâu chiều, bỏ thằng Klu xóm dưới

bốn mùa thơ anh gọi

hụt hơi.

Rồi một ngày em quên

palei ta nghèo

gió trưa tràn bãi trắng

cha trần thân quần quật cuốc nắng

cuốc mãi cuốc hoài hút bóng ban mai

lời ca dao ngấn mỗi vạt ru dài

rưng rưng hai đầu võng

nửa cơn đau – nửa đồng lũ cuốn

giọt mưa vơi khôn vợi buồn đầy.

Rồi một ngày em không còn nhớ

một dòng ariya, một điệu mamang

mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm

văn thổ cẩm hay màu mây cố quận

em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng

cuốn dòng chảy thị thành

em quên mình là Cham

như quên mình chưa có giấy khai sinh.

Rồi một ngày

hơi thơ anh

tắt lịm.

* Chạng: tên con trâu; ariya: thơ; Mamang: một vũ điệu Cham.

(2) H[ậu h]iện đại Việt-13. TÂN LẠC HẬU CẢM THÁN, 2009

Và nỗi nhớ lại dậy lên với nắng

Cho niềm thương đành lịm tắt trong mưa

Em yêu ơi sương sớm đã giăng mờ

Mùa thu nhuộm cả một trời kỉ niệm

Sống cạn kiệt nỗi siêu hình lúng liếng

Đời vô thường anh dệt mộng và mơ

Tà áo dài bay tha thướt đôi bờ

Anh đã chết giữa một chiều rất Huế

Sông vẫn biết trăng trót mang tình bể

Sông có ngờ biển rất mặn và thơ

Tím môi em xa xót cả đợi chờ

Đường thì vắng sao tóc em cứ ngắn

Môi chưa ướt nghĩa là tình sẽ thắm

Hoa sữa nghiêng nghiêng nỗi nhớ nhung chiều

Dưới trăng vàng em tựa cửa cô liêu

Anh bỗng hiểu một tình yêu rất thực

Cà phê đắng heo may chiều du mục…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *