Ở tút “Nói & làm”, ta đã thấy văn hóa bạo lực diễn ra ở hai chiều song song ra sao rồi. Tại đó…
“Đuối lí ở một tranh luận hay bất lực trước sự thể, ở thế yếu: ta đổ cả đống ngôn từ đằng đằng sát khí lên đối phương; ngược lại khi có quyền hành: ta ngang nhiên sử dụng bạo lực để đè bẹp.”
Văn hóa tẩy chay “cancel culture” là anh em sinh đôi với loài trên. Xuất phát điểm
vẫn là tâm ích kỉ, phức cảm tự tôn hay tự ti, chỉ biết có mình, và… ngu muội. “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”.
Tôn giáo, chỉ có đấng của ta là duy nhất, ngoài ra không chúa nào khác – là thứ văn hóa tẩy chay tâm linh. Chánh trị, thuyết duy vật lịch sử cũng nằm trong gien di truyền ấy, khi ý định cho bánh xe lịch sử nghiền nát tất cả để cuốn thế giới về một mối. Dân tộc, học thuyết chủng tộc thượng đẳng, hay thơ ca – dù chả vai vế gì ở xã hội hiện đại, ý đồ loại bỏ mọi loài thơ khác mình, độc quyền hệ mĩ học, cũng hệt.
May, sau bao trận đẩy loài người sứt đầu mẻ trán, mấy thứ độc đoán, độc tài, độc quyền độc địa kia đã biết thân biết phận, và biết điều hơn. Chúng tự thức rằng bản chất của nhân loại là “đa”: đa đấng, đa nguyên, đa dạng…
Bát ngát điển hình ngoài kia, riêng ở cộng đồng Cham, nêu chuyện cũ liên quan đến Tagalau để biết, ở cấp độ thấp nhất nó mang tên VĂN HÓA LÀM LẨY.
[1] Katê 2001, chuẩn bị bản thảo Tagalau-2, một cây bút gửi đến truyện ngắn, tôi nhắn: Bồ xem lại đi, đầu tư thêm vài chi tiết thật đắt vào… Thế thôi mà ấy rủ Trà Vigia “đả đảo Sara”.
Tôi mới thư: Mình làm 7 trường ca, 200 bài thơ, sau 25 năm vứt hết, chỉ chừa lại 1 trường ca và 22 bài đưa vào Tháp nắng-1996. Còn văn xuôi, sau 10 truyện ngắn thử bút, mình vứt 90% để còn lại 1 đăng báo. Đằng này bồ mới có 2 cái, 1 đã đăng sau đó được mình giới thiệu trang trọng trên báo [trung ương], 1 còn lại vừa góp ý thôi mà đã giẩy nẩy lên, là sao. Nhà văn không biết vứt đi thì không thể lớn, tôi kết.
Như thế đủ biết bạn yêu chữ nghĩa [còn non của] bạn, chứ đâu phải yêu Tagalau – là đặc san của và cho Cham.
[2] Hai chị em đồng hương không quen tình cờ gặp tôi tại quán cà-phê ở Quận-3, biết tôi chủ biên Tagalau, mới kêu cháu cũng có làm thơ. Tôi mừng húm: nhân tố mới, lại là nữ trẻ nữa.
– Cei Sara cứ thoải mái biên tập.
5 bài, tôi chọn 2 để biên. Tagalau ra, cô nàng nhắn tin: chú thay đổi hết ý của cháu rồi. Tôi mới chữa cháy:
– Không đâu cháu à, cei chỉ chỉnh câu chữ thôi, không thì nhà xuất bản không duyệt…
Thế là: bái bai.
[3] Một chàng nữa. sau khi Tagalau-7 trình làng, không thư đến BBT mà cho Chế Mỹ Lan phê, Tagalau yếu quá, cả tập có mỗi bài Phan Đăng Nhật là giá trị, còn lại chỉ làng nhàng. Lúc đó Trà Vigia đang làm việc tại Đài ở TPHCM – ban tiếng Cham. Mà Trà thì ai cũng biết rồi, đọc qua – phản ứng cực gắt.
Tôi nhẹ nhàng trả lời CML:
– Tagalau là đặc san phổ thông: Sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Cham. Các cây bút và độc giả Cham thuộc nhiều thành phần, khả năng viết và tiếp nhận khác nhau. Nó đăng các bài thích hợp, phục vụ các bộ phận người đọc khác nhau. Chớ đòi sáng tác nào cũng ngon lành, nghiên cứu nào cũng ở tầm cao, thì ai đọc.
Vậy thôi, mà không thấy gửi bài nữa! Hỏi, bạn có thực sự yêu Tagalau, cho Cham và của Cham không?