Tin vui! Sau khi đăng tút “Tôi bị báo cáo!”, trưa nay Help Team FB công nhận mình sai, đã phục hồi các bài cũ của tôi – Cảm ơn!
*
Ở tút ấy, bạn Chu Mộng Long còm: “Vậy mà tôi tưởng hậu hiện đại là vô hại nhất chứ?” Tưởng như thế không sai, cũng như bao loài thơ khác, thơ hậu hiện đại đa phần cũng vô hại. Ở Việt Nam thì khác.
Tư tưởng “trung tâm” của hậu hiện đại là giải trung tâm, mà Việt Nam – không chỉ mỗi độc đảng mới trung tâm, mà đủ thứ chuyện đều bị phân biệt đối xử trung tâm/ ngoại vi, nặng nhất vẫn là chánh trị.
Thế nên bất kì vấn đề nào dẫu bá vơ tới đâu, đẩy đến cùng cũng đều vướng chánh trị. Mà thơ hậu hiện đại ưa phơi mọi chuyện lên bề mặt, khoái vượt biên!
Về bài “Biển kể về nhiều chuyện khác” của Lê Vĩnh Tài, tôi kêu bất khả tư nghì, là né chánh trị. Chứ kì thực, tôi có thể viết ngay một chương sách về nó, thế nhưng:
“duy có điều nó không lay người dậy
vì vở diễn này
nó tin rằng người đã biết”
Đoạn kết cực thông minh, và đỉnh! Chánh trị diễn, và nó tin rằng thơ ca đã biết. Biết, để tiếp tục chương trình… im lặng. Kế tục truyền thống hèn. Tôi cũng không khác.
“chúng tôi đã nhận cây gậy tiếp sức
suy dinh dưỡng và ưỡn ngực từ thế hệ đi trước
sắp chuyển món yếu hèn cho thế hệ đến sau
những bài thơ
không che kín khối u mặc cảm”
[Inrasara, trường ca Covid-19: Đánh thức lãng quên, 8-2021]
Chánh trị không cần lay thơ ca dậy, vì nó biết thơ ca đã biết. Biết và ngủ tiếp.
Năm 2006, tôi có tiểu luận: “Thơ Dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ” được Hoàng Ngọc Hiến cho là ngang tầm với “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thành [!]. Mười năm sau, tôi tiếp: “Thơ Dân tộc thiểu số vừa ngủ vừa đi”.
Trong khi để lớn, Dostoievski: “Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho tới cùng cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa”.
Không muốn lớn, tôi đã “khôn ngoan” biết dừng lại. Ở đường biên.
Ngay 1996, do khó kiếm được giấy phép cho tập thơ đầu tay của tôi: Tháp nắng, nhà thơ Nông Quốc Chấn viết lời nói đầu [không in] và đã rất tinh ý, khi viết: “Inrasara đã biết dừng lại ở đường biên, mà không vượt biên”.
Theo quan sát của tôi, đại bộ phận nhà văn Việt Nam còn chưa mon men đường biên, nói chi vượt biên.
Thì chớ mong có tác phẩm lớn.
+
P.S. Câu chuyện.
Năm 1994, nhà thơ Nông Quốc Chấn – Chủ tịch Hội VHNT-DTTS Việt Nam vào Sài Gòn, hỏi Phú Văn Hẳn khi ấy là Phó Chủ tịch Hội ở TPHCM – tìm nhân tố cho phong trào văn học dân tộc thiểu số. Ngoài vài người thân tín, hiếm ai biết tôi làm thơ, và Hẳn nói: Có anh Phú Trạm của em.
Trưa nắng, sau giờ làm việc tại Đại học Tổng hợp, tôi xách bản thảo Bàn chân – Con đường – Bóng tối đạp xe qua Nhà khách Thành ủy. Ông đọc và quên luôn tôi đang ngồi đó. Từ thích, sợ, đến thở phào. Ông nói:
– Hay lắm, cậu bỏ bớt triết lí đi, thêm mấy bài tình vào. Cũng nên kiếm tên nào đó thiên về tình quê hương, chớ đặt tên tập thơ như thế này nặng nề quá.
Ông mang bản thảo ra Hà Nội. Nhớ, ông nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, còn đưa nó cho cả Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh đọc, vậy mà non hai năm không xin được giấy phép.
Hè 1996, ông mời tôi dự Trại Sáng tác Đại Lải, là lần đầu tiên tôi ra Bắc. Lạ, Tuyển tập 50 Năm Thơ DTTS Việt Nam do ông chủ biên, tôi vô danh tiểu tốt, chưa hề có thơ đăng báo mà được tuyển đến 5 bài thơ chiếm hết 11 trang!
Kết thúc Trại, nhà thơ Trần Ninh Hồ phụ trách mục Thơ ở Trại lên diễn đàn tổng kết, đọc của tôi 3 bài, trong khi nhiều nhà khác ông không buồn nhắc tên. Thế là nhà xuất bản Thanh niên liều in Tháp nắng-1996. Năm sau nó đoạt luôn giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Lời nói đầu của Nông Quốc Chấn được tôi đưa qua làm “bạt” cho tập Sinh nhật cây Xương rồng-1997, như là cách tạ ơn ông với “Lời cảm ơn muộn màng”.