Thứ Bảy tới, tôi có buổi nói chuyện vởi LIT-Magazine – Đại học Fulbright, xin đăng loạt bài liên quan đến thơ Việt đương đại.
Một trào lưu nghệ thuật hay hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua khi phần tinh túy nhất của nó được khai mở trọn vẹn, chứ không phải ở chê bai, đánh phá các tác phẩm dở, hỏng của nó.
Vậy mà qua hai thập niên, từ dấn thân vào chốn phê bình, tôi thấy nhiều nhà phê bình ta chỉ biết mỉa mai, công kích những sản phẩm hỏng, dở kiểu như. Tân hình thức, hậu hiện đại thế này mà gọi là thơ à?
Trong khi mấy sáng tác hậu hiện đại giả hiệu ra lò từ cây viết bất tài, không cần phê phán, tự nó cũng chết. Phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh đã đọc và sàng lọc từ vạn bài “thơ mới” mới được phần tinh tuyển để đưa vào Thi nhân Việt Nam. Mà chắc gì đây toàn là hàng xịn!
Thơ Tự do đã vượt mặt Thơ Mới bằng “chôn sống” chính những đứa con đẹp nhất của phong trào này. Thơ hậu hiện đại tiếp bước, cũng vậy.
“Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu, một bài thơ “lãng mạn cách mạng” thuộc hàng cao cấp về thân phận gái bán hoa. Bùi Chát biết nó hay, công nhận nó hay, nhưng chàng đã làm khác với bài “Đâm ja” cực độc. Đó mới gọi là vượt qua.
Xem: “Từ Tố Hữu đến Bùi Chát, nhìn lại thế đứng của đĩ Việt Nam”, trong Văn chương Tan rã, 2019.
Ở Văn Miếu, Dương Tường với sự cộng tác của Dạ Thảo Phương đã trình diễn thơ Tự do đặc sắc, tạo cảm hứng cho Lê Anh Hoài làm nên tác phẩm hậu hiện đại CUT ngoại hạng. Giả dụ tay chơi này cũng làm hệt thế và dù có hay hơn thế, cũng vứt.
Xem: “Thơ trình diễn Việt, Từ hiện đại đến hậu hiện đại tiến lên… sến”, trong Văn chương Tan rã, 2019.
Thi sĩ được Bà Trời ban tặng dây ăng-ten nhạy cảm với cái mới. Mang cảm thức khác và mới, kẻ sáng tạo làm nên tác phẩm. Nhiệm vụ của nhà phê bình là nhìn ra bao khác biệt đó, nói lên sự vượt thoát oanh liệt kia trong cuộc chiến diễn ra trên những đỉnh cao mang tính mĩ học, chứ không phải đấu đá ở miền đồng bằng chật hẹp nơi đời thường.
Chỉ khi đó ta mới hi vọng làm giàu sang thơ Việt, và có cái xứng đáng gọi là góp vào nền thi ca nhân loại.