“Mùa Hội viên”, đang hứng khởi với thơ thì Covid-19 lần nữa bùng phát trong cộng đồng Cham, tàn canh hơn trước. Lại bị/ được nhờ, lại vào cuộc…
Dù chưa yên, cũng cần qua sông sắm cho tròn vai diễn: Chủ tịch Hội đồng Thơ.
Sáng thứ Bảy, 27-11-2021, Sara sẽ có buổi nói chuyện online với sinh viên Đại học Fulbright.
CÂU HỎI TỪ CÁC BẠN TRẺ
1. Thuần phong mỹ tục trong thơ Việt là gì? TPMT về mặt hình ảnh thơ, tứ thơ, hình thức, thi pháp, căn tính người sáng tác (như nhóm Ngựa Trời, nhóm Mở Miệng, Thơ Mới hồi xưa mới ra) có bị xem là lai căng không?
2. Theo nhà thơ, các trường hợp thơ nào từng chịu chỉ trích là trái với TPMT?
3. Chúng được tiếp nhận như thế nào qua thời gian (ví dụ tập thơ Trần Vàng Sao mới được tái bản)?
4. Có phải mọi cách tân đều phải trải qua giai đoạn bị xem là trái TPMT hay không?
5. Từ 1990 đến nay, ở VN có thể loại thơ hay phong trào thơ nào bị xem là trái với TPMT?
6. Theo ý kiến cá nhân của nhà thơ, các sáng tác bị cho là trái với TPMT đã góp phần thay đổi cách hiểu về TPMT như thế nào? Điều đó mang lại cơ hội hay thách thức nào đối với thơ ca nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung?
INRASARA GỢI Ý TRIỂN KHAI
1. Tại sao các thế hệ thơ không hiểu nhau, thậm chí không cho sáng tác kia là thơ?
Nguyễn Hiến Lê nhìn sáng tác của Nhóm Sáng tạo, Trần Mạnh Hảo phê phán thậm tệ thơ Nguyễn Quang Thiều…
2. Thời đại thay đổi, thơ thay đổi.
Ttiểu luận của Inrasara: “Quá trình hiện đại hóa thơ là quá trình cắt bỏ ‘thi tính’”.
3. Và thuần phong mĩ tục thay đổi
– Thế nào là truyền thống? Tháp Chàm từ đâu mà ra: Người Cham nào khiêng từ Ấn Độ về dũng cảm một, kẻ phá nó để thành tháp Chàm của Cham mới dũng cảm mười.
– Thuần phong mĩ tục là những gì còn lại sau tiếp nhận và loại bỏ liên tục qua nhiều thế hệ. Thế hệ đi tới lại tiếp tục…
4. Thơ và thuần phong mĩ tục
Không có gì đứng yên một chỗ, bản chất văn hóa là động, là lai căng, phong tục và thơ cũng vậy
Thơ hiện đại Việt qua các thế hệ: Thơ Mới, Tiền Hiện đại, Hiện thực XHCN, Hiện đại, Hậu hiện đại và…
Thời trang đến, qua đi và mất dấu vết. Sáng tạo thì khác. Thơ đổi mới nếu hay, khi trào lưu đi qua, nó sẽ thành cổ điển. Độc giả thế hệ mới vẫn thưởng thức nó, dù người làm thơ không còn sáng tác theo kiểu thơ đó.
5. Làm sao để thuần phong mỹ tục Việt vẫn còn Việt tính?
Làm thế nào để thơ vẫn còn là thơ?
“Dù thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về. Trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Ở đó, nhà thơ [và con người] cư ngụ” (Inrasara, Song thoại với cái mới-2008).
*
Các gợi ý trên được nhìn và phân tích qua dẫn chứng thơ Việt đương đại, cả ở phía ngoại vi: Thơ Việt hải ngoại, thơ miền Nam, thơ người dân tộc thiểu số…
Dĩ nhiên, như cách cá biệt của tôi, nội dung nói chuyện sẽ mở rộng tùy hứng qua các câu hỏi mang tính gợi ý, trao đổi và tranh luận.
Theo bạn, có điểm nào cần nói thêm ở buổi này, để đào sâu và mở rộng vấn đề: Thơ và Thuần phong mĩ tục?
Karun Cảm ơn!
Sara
Tham khảo:
1. Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, nxb Văn nghệ, TPHCM, 2006
– Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ”
– Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động
2. Song thoại với cái mới, tiểu luận, nxb Hội Nhà văn, 2008
– Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn
– Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt
– Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay
3. Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, nxb Thanh niên, 2014
– Thơ đổi mới, hành trình ‘chuyển một hướng say’
– Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại
– Thơ Việt thế hệ hậu hiện đại mới
– Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại
– Về đâu, tân hình thức Việt?
4. Nhập cuộc về hướng mở, nxb Văn học, 2014
– Cách mạng nghệ thuật, nhìn từ hội họa
– Hóa giải và hòa giải ba ‘loài’ nhà thơ hôm nay
5. Văn chương tan rã, Lotus Media xuất bản, Hoa Kỳ, 2019
– 30 năm đổi mới, thơ Việt ở đâu, về đâu?
– Văn chương tan rã