Hai thập niên qua, ở ta tham ô đã là quốc nạn, ngày càng trầm trọng. Đất nước nào mà chả tham ô – chính xác, vấn đề ở đây là tỉ trọng, cách thức và khu vực.
Tỉ trọng: Ở cấp cao, trùng điệp quan to, và “ăn quá dày” so với GDP quốc gia và thu nhập đầu người. Cách thức: Trắng trợn và tàn canh, ăn cắp rồi ôm của chạy ra nước ngoài, có thu hồi cũng chỉ được 5%. Khu vực: “ăn không chừa thứ gì”, đè cả sinh linh đang thập tử nhất sinh ra mà ăn, thì táng tận lương tâm rồi còn gì!
Cham xưa thế nào?
Câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Po Bin Thwơr, 1360-1390) 4 lần xua quân ra Thăng Long làm kinh hãi Đại Việt, sử Việt chép một kiểu, Champa truyền cách khác.
Để chiếm lại hai châu Ô, Lý đã mất, Po Bin Thwơr quyết tập hợp lực lượng, cả bên Cham ‘Ahiêr Awal’. Để làm được việc đó, chính ngài kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Hiện tục này vẫn còn được tuân thủ tại palei [làng] Bính Nghĩa – Ninh Thuận, được coi là quê hương của ngài.
Sau hơn mười năm lên núi tu luyện, ngài được thần Yang ban tặng cho thanh long đao bat palidao thần thánh. Để sau đó trong giai đoạn trị vì, chẳng những ngài thu về phần đất đã mất, mà còn mang quân vào tận kinh đô Đại Việt chinh phạt. Chinh phạt thị uy, chứ không có ý định chiếm lấy, để đối phương đừng mong đoạt lại đất cũ nữa.
Xong sứ mệnh, Ngài hóa thân về trời nao mưruup. Hành động ấy đã tạo nên thứ huyền thoại về SỨC MẠNH TỪ CHỐI SỰ CHIẾM HỮU KHÔNG PHẢI LÀ CỦA MÌNH.
Đây không phải tùy tiện diễn dịch lịch sử, mà là việc thực. Tinh thần này lặp đi lặp lại nhiều lần, thành truyền thống Cham. Dân gian Cham truyền tụng câu chuyện về dòng họ Yang In. Kể rằng đây là dòng họ cực kỳ “khó chơi”. Ai mượn bất cứ đồ vật nào của họ mà quên trả, thì tức khắc người trong nhà sẽ mắc thứ bệnh lạ. Đã có nhiều hiện tượng kỳ bí xung quanh dòng họ này. Người bị nạn, chỉ cần nghe ông thầy phán là có vấn đề, gia đình mang “của” ném ra ngoài hàng rào hay lịch sự hơn – trả lại, thì bệnh tình chấm dứt ngay.
Chuyện là vậy. Sự thật, đây là dòng họ nổi tiếng liêm chính. Cả dòng họ tuyệt không xảy ra vụ ăn cắp. Làm quan không tham ô của dân; ngoài đường, của rơi không ai lượm; cửa ngõ khuôn viên nhà, tối ngủ không cần đóng. Trớ trêu thay sự đời, kẻ ngay thẳng hay bị lợi dụng. Thế là sau bao nhiêu lần chịu thiệt, dòng họ khấn thần Yang và phát đi lời nguyền độc địa: Ai lấy của ta mà phi tang, đời hắn sẽ tàn mạt.
Biết thêm, do văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, nên có được một bản chép tay là điều khó khăn. Để tránh thất thoát, lời nguyền tương tự cũng thường được Cham ghi ở cuối trang trong rất nhiều bản chép tay.
Lời nguyền Champa từng có mặt suốt lịch sử vương quốc, bàng bạc trong đời sống hôm nay. Đánh thắng, Champa chưa hề từng trụ lại, di dân đến ở càng không. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bốc hòn sỏi trong túi. Vậy mà Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu.
Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Còn lại – không.
TA KHÔNG THAM CỦA NGƯỜI, THÌ NGƯỜI CHỚ DẠI THAM LAM CỦA TA.