VÀO TRƯỜNG CHIẾN

[Biết người, Biết mình, Xử việc & Công an mời có nên đi không?]

Vào trường chiến-1. BIẾT NGƯỜI

[7 cách quán & 6 phép thử]

Mấy rày trực tiếp với ngàn sinh phận Cham về nỗi Covid-19, rảnh – tôi giở lại “sách thánh hiền” thấy hay hay, tạm rút ra vài bài học để cùng mọi người ôn tập. 

Lão Tử: Biết người là trí, biết mình là sáng. Làm sao biết người?

Khổng Tử nêu ra 3: Cứ xem lời nói và việc LÀM của hắn; làm, cứ xem CÁCH thức làm của hắn; và khi hắn đạt, cứ xét cái gì khiến hắn VUI.

Bậc thánh nhân kiệm lời là vậy, còn người tài như Gia Cát Lượng, Lã Bất Vi, Lý Khôi thì cụ thể hơn. Tạm tóm và đối chiếu với chuyện hôm nay.

7 CÁCH QUAN SÁT

1. Xem hắn thích giao du với ai. Chuyện này Tây cũng nói: Hãy cho tôi biết bạn giao du với ai  [hay đọc loại sách gì] tôi cho bạn biết bạn là người thế nào.

Ở đây cần chú ý đến chữ “thích”. Còn kẻ quan hệ rộng vì công việc thì khác.

2. Khi thành đạt và có vai vế, bạn đề bạt, trọng dụng hay giới thiệu ai vào việc làm? Người tài hay con ông cháu cha, kẻ có đức hay dùng cái ghế để đổi chác?

3. Bị đẩy vào nghịch cảnh, bạn có giữ được khí tiết không? Lúc khốn cùng, bạn vứt bỏ chuẩn mực nào, và điều gì bạn nhất quyết giữ?

4. Giàu có, bạn tiêu tiền vào đâu? Ăn chơi trác táng hay đầu tư vào trí tuệ? Hành thiện giúp đời hay sắm nhà lầu, xe sang, tiệc tùng nhà hàng để khoe mẽ?

5. Nghèo hèn, bạn có giữ được phẩm chất trong sạch không? Hay bạn nhận bừa bất cứ thứ gì người ta chìa ra?

6. Nhàn rỗi, bạn ưa thích gì? Đọc sách, ngồi cả ngày ở bàn cờ, tụ bạn bè lai rai tán gẫu, đơm đặt nói xấu này nọ.  

7. Thời đại này được tự do thể hiện, lên facebook bạn viết gì, muốn lan tỏa điều gì, thích khoe gì?   

6 PHÉP THỬ

1. Lúc đắc chí, xem hắn tự biểu hiện thế nào: Nhảy cẫng lên tự coi ta là nhất, nhìn đời bằng nửa con mắt, hay khiêm cung xét lại mình?

2. Thử lấy lòng hắn, coi hắn khoái món gì nhất: Danh tiếng hão [học vị tiến sĩ chẳng hạn], nhậu nhẹt, đàn bà hay tiền?

3. Khích nộ hắn, biết ngay hắn có tự kiềm chế được không: Hay theo gương Trương Phi để đâm đầu vào chỗ chết?

4. Gây cho hắn khiếp hãi, xem hắn có kiên định với lí tưởng không hay dễ dàng thối chuyển. Như mấy nghệ sĩ Việt, mới dọa sao kê mà đã thề từ nay em chả em chả!

5. Đẩy hắn vào hoàn cảnh khốn cùng để xem ý chí của hắn. Như các bạn yêu thơ sau 1975, chưa qua một tuần ăn độn mà vứt bỏ cả thơ, là một!

6. Làm cho hắn đau buồn để xem tâm trạng và phản ứng hắn thế nào. Mới bị bồ đá mà đã đòi uống thuốc rầy hay đóng cửa phòng làm… thơ?

Vào trường chiến-2. BIẾT MÌNH

Dò sông, dò biển dễ dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

Người phàm là vậy, chớ bậc đại trí thì khác. Họ có nhiều cách dò vào tận sâu thẳm lòng người, để biết. Còn chuyện biết mình thuộc chiều kích khác, mà chỉ có bậc đại huệ mới đạt tới.

Không lạ, khi Lão Tử nói: Biết người là trí, biết mình là sáng.

Sokrates: Hãy biết mình! Là châm ngôn mở màn cho nền triết học Tây phương hiện đại. Đức Phật không khác: Tự tri tự ngộ.

Krishnamurti: Self-knowledge, còn hạn từ hiện đại: Self-consciousness Tự thức.

Biết mình, không cần phải vào rừng sâu hay chùa lớn dành cả năm ngồi thiền định nội quán. Thiền định với/ để nội quán, cần nhưng chưa đủ. Có khi chính siêng thiền định với nội quán kia tạo ảo tưởng rằng ta đã tự tri tự ngộ. Hỏng bét!

Biết mình – như Krishnamurti, là sống giữa đời, tương giao với con người, với sự vật, với ý tưởng và trực thức từng giây phút.

Cố chấp một ý tưởng, hay định kiến với sinh linh nào đó, ta thấy nó sai, nó bậy, ta liền hạ quyết tâm: Tôi phải phá chấp, phải dẹp bỏ định kiến kia, để hòa đồng với đời, với người. Vậy là ta đã lên kế hoạch cho hành động. Biết, không phải là kế hoạch, dù tốt hay xấu. Mà trực thức, phi thời gian.

Ta nhìn sâu vào nội tâm ta, dõi theo nỗi cố chấp, định kiến kia xem nó hình thành, lớn dậy và tác động đến ta như thế nào. Theo dõi từng động tĩnh của nó. Chỉ NHÌN, mà không can thiệp. Khi ta thấy, ta BIẾT, nó biến mất ngay tắp lự.

Ví dụ khác. Ta hành thiện, vừa đụng trở ngại đã vội tháo lui, là ta làm cho vui chớ không thực sự yêu người; hay khi làm việc tốt – mới bị nghi ngờ, ta đã thề từ nay em chả, là ta quý danh tiếng ta, chứ không phải yêu người.

Ta thức nhận ta không thực sự yêu người, mà là ta yêu ta, ta làm vì ta. Biết thế, ta quyết loại trừ cái tâm nhỏ nhen ấy, để ta tốt hơn, rộng lượng hơn. Đó là ta dùng lí trí, ý chí để LOẠI TRỪ, chứ không phải biết. Biết, là trực thức nó NHƯ LÀ THẾ.

Khi trực thức, mọi phân biệt tốt xấu liền tiêu tan đi, ngay sát-na ấy, chỉ có NHƯ ở lại. Đó chính là BIẾT ở một cảnh giới thượng thừa. Từ “trung tâm” ấy, ta an nhiên giữa trời đất.

P.S. Tôi viết như thể tôi là NGƯỜI BIẾT!

Vào trường chiến-3. XỬ VIỆC

[Xử TÂM trước xử VẬT, xử TRÍ trước xử VIỆC]

Câu chuyện. Bà xã làm ăn ưa nghe “ông hàng xóm”, một hôm nổi máu “ghen”, tôi kêu:

– Mẹ nó lạ quá đi, có ông thầy trong nhà…

– Ổng giỏi lắm đó, – bà xã cãi.

– Giỏi như cô bé Đại học Kinh tế ấy! Đờn thế nào đó để mẹ nó biếu ngay cái Laptop đời mới 2,5 lượng vàng, trong khi ông xã cọc cạnh gõ máy bàn cổ lổ, rốt rồi bị cho nghỉ khi chưa qua tuần. Hay cô nàng manager năm ngoái ấy, giỏi thế nào để sau một tháng đã giũ áo ra đi, khối nợ thì ở lại…

– Đừng nhắc nữa mà.

– Mẹ nó không chịu rút bài học nên mới nhắc. Thử kiểm nhé, 32 năm làm khối chuyện khác nhau, mẹ nó có thấy anh thất bại việc nào hôn? Giải quyết trăm vụ to nhỏ, có lần nào anh để cho hỏng không? Nhớ lại đi, nêu ra mỗi một thôi, là khá!

Bà xã mò mãi không ra, nhưng rồi vẫn cứ đi nghe… ông hàng xóm.

Đối nhân xử thế, đa phần thất bại do trí chưa chín, tâm chưa thông. Còn vật và việc là sự thể, nó là thế, đang ở đó. Vấn đề ở đây là mình xử lí nó thế nào? Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại, – ai nói thế?

Ôn cố tri tân, mấy thất bại thường do:

[1] Hấp tấp nông nỗi

Vụ “cháu Ng. mất tích”, gia đình nhờ tôi giúp, đến khâu quyết định lại nóng ruột mà tùy tiện làm. Hậu quả là tiền mất, mà đứa con cũng chả thấy đâu.

[2] Cố chấp, không biết thỏa hiệp

Vụ “Kut Boh Dana” suôn sẻ đến 95%, chỉ vì bà con quyết “thà chết chớ không chịu thua” nên xôi hỏng bỏng không. Ta chỉ có mất mà chả được gì.

[3] Thiếu hiểu biết

Vụ “biểu tình” ở Trường MTL, bà con mời tôi về hỗ trợ. Ở đó có chi tiết mang tính bản lề, chủ xị không nghe tôi, đưa ra bằng chứng chống lại mình. Rồi hỏng tuốt!

Vụ Acar-Th, do thiếu thông tin mà một Chiêm nữ đã hô lên đó là sự kiện nóng, kêu gọi Cham giúp sức. Tôi từ chối thì bị cho là vô trách nhiệm. Sau rốt khi sự vụ vỡ lở mới biết đó là tin nóng giả!

[4] Sợ không đáng sợ

Vụ Trường DTNT Ninh Phước, ba giáo viên Cham do “hay nói” về tiêu cực nội bộ mà bị cho thôi việc. Kêu cứu, tôi bảo: Các bạn đưa đơn lên Sở đi, khi không được cứu xét cei Sara mới can thiệp. Vậy mà chả ai động bút. Tôi nói, các bạn bị “đuổi” là mất danh dự rồi, thêm món mất việc, các bạn còn gì nữa mà sợ?

Thất bại ấy thuộc về TÂM và TRÍ, chứ không do vật và việc. Làm thế nào?

[1] Tâm không động

– Bình tĩnh, từ hành vi cho đến lời nói. Tuyệt không cho xúc cảm lôi cuốn, để nói và làm sai bậy, đổ thêm dầu vào lửa.

– Thành thật, chớ bày trò lừa người, càng không chơi trò chánh trị lừa CS.

– Thiện chí & Không vụ lợi, thiếu hai món này thì đừng làm gì là hay hơn.

[2] Trí: Tìm ra quy luật chung. Biết một là biết tất cả!

– Hiểu sự việc. Biết càng sớm càng tốt, cụ thể và đầy đủ; tìm hiểu từ nhiều phía để có cái nhìn tổng thể, và công bằng; thông tin công khai, khách quan và trung thực.

– Xác định đâu là mấu chốt vấn đề, và biết mình MUỐN GÌ?

– Làm tới cùng, dẫu sao cần biết có người có ta, để Dừng đúng lúc.

– Thương lượng để tìm Vùng xám, hai bên cùng có lợi.

– Dám Lĩnh xướng, nhưng tuyệt đối chớ làm anh hùng cá nhân. Tìm đồng đội, tranh thủ cảm tình phía trung lập, vân vân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *