Nếu hôm nay, tuyệt đại bộ phận nhà thơ bị coi là vô công rồi nghề, ít học, chập cheng, nhếch nhác thì, truyền thống Ấn Độ [và Cham] đã khác, rất khác (xem thêm: “Six Kinds of Intuitions”, K A Subramania Iye).
Cứ nhìn các bậc thi nhân chính tông Cham như Ariya Glang Anak, Pauh Catwai hoặc thấp hơn – như mới đây, ông ngoại tôi trước khi viết trường ca Ariya Rideh Apwei đã là một thầy cao đạo.
Kinh Bhagavad-Gita cho rằng Đấng Tối cao đầu tiên là thi nhân. Thi nhân là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Muốn thành nhà thơ, bạn phải trải qua sáu bậc tôi luyện:
– Svabhava: cảm tính thuộc bản năng,
– Carana: cảm tính hướng thượng,
– Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ,
– Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng Đế,
– Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp, và
– Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường. Như cách chúng ta ưa nói, được ân sủng đứng trên vai các người khổng lồ.
Do đó, nhà thơ không chơi thả ga như hôm nay, mà bị/ tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa. Từ lò đào luyện chữ (giai đoạn dưới chơn thầy) sang lò luyện tội cuộc đời (giai đoạn chủ hộ) đến giai đoạn khất sĩ bhiksu làm kẻ lang bạt “phong phanh giữa trời đất”, là cuộc hành trình chiến đấu dài dặc, cực nhọc để đi đến chiến thắng tối hậu.
“Đi – như là ở lại” (thơ Inrasara)
Đấy chính là sự khác biệt cả vực thẳm giữa triết lí Khổng Mạnh và tinh thần Ấn Độ giáo. Người quân tử bỏ cả đời lo chuyện trị quốc – bình thiên hạ, tôi luyện ngày càng thâm áo, tinh vi hơn, do đó, hiệu quả hơn. Đời ta không thành còn di chúc cho con cháu mấy đời sau kế tục. Đạo sĩ Bà-la-môn thì – không! Không, không, và không. Ông đã phủi nợ trần khi hoàn tất giai đoạn chủ hộ grhastha ở ngay đời mình!
Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không như Krishnamurti đã – không vấn đề! Khi đạo sĩ Bà-la-môn mang máu thi sĩ, hắn càng đi bạo hơn.
Thơ ca nẩy sinh và rớt lại trên con đường vừa đi qua đó.