“Ở đó, tôi – hoặc im lặng hoặc nói thật chớ không nói giả” – Ainsi parlait Inrasara!
‘Thattiak’: “thành” là một trong vài từ đinh của Ariya Glang Anak.
“Thành nghĩa là thật lòng, không dối mình dối người…”, Nguyễn Bá Học dạy thế. Tội, xã hội ta hôm nay lại đặt nền tảng trên sự giả dối. Giả dối ở đâu và dân tộc nào cũng có, điều đáng nói là TỶ TRỌNG. Ở ta, giả dối từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ dân tộc đa số đến thiểu số, từ dạy-học đến thi cử, từ xin đến làm việc, từ địa phương lên tận trung ương.
Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội TPHCM cả quyết trong mùa dịch Covid-19 “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc”, bị đồng bào kêu, đã chối bai bải, mãi nhà báo đưa bằng chứng không thể cãi, mới hàng. Tội không!
Nhà nọ năm xưa đạo thơ, bị bắt quả tang mà cứ quanh quéo chối, khi thiên hạ đưa ra đủ bằng chứng, mới hạ giọng trầm. Nhắn tin cho Sara, ông bày một miếng, là xong chuyện, chi mà khổ thế chứ!
Ở Cham cũng chả khác. Một “nhà” trong vụ Bà-ni, viết tố cáo phe bên kia, bị dọa, vội xóa bài và rút êm, không một lời thông báo hay xin lỗi [nếu sai]. Không từ nào khác để gọi tên, ngoài “hèn”!
Nguyên do, ta không ‘thattiak’, thiếu thành tâm, từ đó không chịu được LỜI THẬT. Sợ đối mặt trực tiếp, cùng lắm ta làm kiểu “dân hỏi bộ trưởng trả lời”.
Quan văn lớn nọ rất khoái Sara, tôi mến ổng cũng chả kém. Dẫu sao vào việc là tôi nói thật, về cách điều hành Hội Nhà văn của ông. Trên diễn đàn. Phiền là có đến 90% nhà văn vỗ tay. Một, hai lần ông cho qua, nhiều quá ông hết chịu nổi luôn.
Hôm qua ở Cham, chuyến đi vòng palei Cham tri ân cựu thầy cô BBS, ở đó đụng một vị, mấy cháu chưa đặt đít ông đã cấp tập tấn công đời tư ông Sara. Nghe kể lại, tôi hỏi, mấy đứa phản ứng thế nào, không thế nào cả! Dễ ợt, cứ nói:
– Thầy lạc đề rồi, chúng tôi đến tặng quà, thầy cứ cảm tưởng về món quà, còn việc ông ấy thế nào là chuyện riêng thầy với ổng. Đưa quà, xin phép về – là xong!
Mấy năm trước, một bạn chuyên xuyên tạc tôi với cánh trẻ.
– Các bạn đồng lõa, hoặc im lặng chịu đựng, phải hôn? Tại sao không thể hỏi: Hay bác đến thẳng cei Sara nói chuyện cho ra lẽ, bác với cei ấy thân mà? Hoặc lịch sự hơn, các bạn có thể chuyển kênh bằng câu: Hay ta bàn chuyện khác đi, có lẽ hay hơn?
Nhưng rồi, tất cả đều không.
Hoặc ta chưa đủ kinh nghiệm và nhạy bén để phản ứng nhanh nhạy trước hoàn cảnh cụ thể; hoặc ta thiếu thành tâm, ta hèn, ta không nói thật, và ta giả dối.