BÀ-NI, KẾT VẤN ĐỀ

CĐCB đối thoại với Inrasara, bài cuối.

Hôm qua 19-9, một bạn trẻ cho hay bị một vị bắt bẻ “Cham có tôn giáo đâu, mà la!”, mới nhờ đến tôi. Tôi nói: Vụ này cei Sara đã giải minh từ lâu rồi. Ta mãi dùng công thức hay định nghĩa cố định nào đó ra đo đếm, khi Cham không trùng khớp thì hô ngay: Cham không có tôn giáo. Lạ!

‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo dân tộc, như đạo Do Thái của người Do Thái hay Shinto của Nhật. Ở đó, [1] Đấng tối cao đã nhạt nhòa, còn lại là: Pô Yang và Muk Kei, [2] Kinh sách: Agal Ahiêr [rút một phần nhỏ kinh Bà-la-môn] và Agal Awal [rút 1 phần nhỏ Kinh Qu’ran], [3] Nơi tập trung ‘ngak yang’ thờ tự có: Bimong Kalan và Sang Mưgik, [4] Tín đồ là: Cham Jat, Cham Ahiêr và Cham Awal.

1. Quần chúng thích tư duy đơn giản. Hôm nay Cham thì càng!

Sự kiện Bà-ni, bên này là TƯ DUY CẮT LÁT, kiều:

P-P Văn Ngọc Sáng là đầu mối của mọi rối rắm, triệt anh ta là quyết toán vấn đề [lưu ý: triệt Sáng này sẽ có Sáng khác nẩy nòi ra]. Hoặc hồ nghi do một, hai chức sắc Cham Bà-ni với vài cán bộ có liên quan bị đồng tiền ‘Jawa lai’ thao túng mà sự vụ thành hầm bà lần. 

Bên kia thì TƯ DUY BỔ CỦI, kiểu:

Cham Bà-ni nghèo đói do cúng tế, từ đó mãi lạc hậu. Hoặc chánh trị hơn: Nếu Cham theo Islam hết, Hồi giáo quốc tế sẽ giúp Cham mạnh lên [năm 1993, một ông anh ở Sài Gòn đã lên lớp tôi kiểu ấy].

Có thế đâu! Cả tư duy cắt lát hay bổ củi đều chỉ thấy một góc, mà không thể nhìn ra toàn cảnh vấn đề. Số còn lại không làm gì hơn ngoài CHỬI và than trách!

2. Làm gì? Phải cần đến TƯ DUY CHUỐI.

Mỗi sự luôn sanh qua loạt nguyên nhân, từ vô số sự kiện đan xen, tiếp nối.

Thử xâu chuỗi…

Champa mất nước, kinh sách thất tán, những gì còn lại chỉ là mảnh vụn chắp vá; Cộng đồng Cham tản mác, mỗi nơi hành lễ mỗi khác, tạo ra bao nhiêu sai biệt; Tinh thần tùy tiện, các lễ nghi chưa được cải cách thống nhất, gây khó dễ cho tín đồ;

Bản chất tôn giáo Cham: Thiếu chặt chẽ, mềm, và khá tự do; Quần chúng chưa hiểu đủ về bản sắc truyền thống dân tộc: Cái hay cái đẹp của Bà-ni, mà chỉ biết chăm chăm vào bề tối, phần tiêu cực;

Từ đó thành phần hám lợi tham danh nhảy vào thao túng, kéo bộ phận ăn theo.  

3. Sau 9 đối thoại, xin tóm lại vài điểm, qua đó mở nút vấn đề:

– Bà-ni là ca duy nhất trong lịch sử nhân loại HÓA GIẢI ĐƯỢC ISLAM. Tư tưởng “hóa giải và hòa giải” của Đức Ngài Pô Rômê là bài học lớn cho thế giới hôm nay: các ý hệ xung khắc đến đâu vẫn có thể ngồi chung.

– Bà-ni [& Ahiêr Awal] là TÔN GIÁO DÂN TỘC, tôn giáo bản địa. Dù đa thần, song việc thờ phượng nhấn ở hai hệ thần gần gũi: Pô Yang và Muk kei Tổ tiên.

– Đó là độc nhất vô nhị trên thế giới, làm ĐA DẠNG tư tưởng tôn giáo nhân loại. Dẫu sao, nếu “độc đáo và độc nhất” kia thuộc thế lực phá hoại, làm suy đồi con người, thì có nên truyền lưu không? Chắc chắn là không rồi.

– Bà-ni [& Ahiêr Awal] là tôn giáo HÒA BÌNH VÀ HÒA HỢP. Suốt non 4 thế kỉ tồn tại, chưa hề có dấu vết xung đột giữa hai hệ phái ‘Ahiêr Awal’. Chức sắc hai tôn giáo thường xuyên ngồi lại để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhuần nhị và êm đẹp.

– Bà-ni là tôn giáo mở, đức tin mềm rất thích hợp với thời hậu hiện đại trong “thế giới phẳng”. Mở, thế nên ở đó nẩy ra nhiều sáng tạo; mềm, do đó nó dễ bị tổn thương.

Kết. Bà-ni MỀM, CHỨ KHÔNG YẾU.

Bài học lịch sử: Xung đột Ấn giáo và Islam đẩy Champa phân rã rồi suy vong; kinh nghiệm Phước Nhơn qua xung đột với ‘Jawa lai’ thập niên 1960: không mạnh thì mất; Bà-ni đã trui rèn sức đề kháng mạnh mẽ, khi cần, họ giận dữ đáo để.

Cứ nhìn sự phản kháng của anh chị em Bà-ni thời gian qua cũng đủ hiểu. Hay có tận mắt thấy quý bà mang vũ khí đặc dụng chuẩn bị đón “đoàn hành hương” ở Pabblap Birau mới biết cơn giận kia lớn mạnh thế nào. 

Nó gửi đi MỘT THÔNG ĐIỆP dứt khoát.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *