Câu chuyện Cham-86. TÔN GIÁO NÀO CŨNG TỐT?-4

Cái MỚI ra đời luôn phải chiến, để có mặt, để phát triển và tồn tại. Chính Jesus tuyên rành rọt: “I came not to send peace, but a sword” (Bible, Matthews, X, 34). Thơ Mới xuất hiện phải đánh bại thơ truyền thống, để giành đất sống, đấy thơ cũ về hậu trường, lưu kho hay cho nó hô… biến. Còn được hay không, hoặc chuyện gì xảy ra sau đó – tính sau!

Là lẽ thường của văn minh, phát triển và tiến bộ.

Ý hệ chính trị hay tôn giáo còn ghê hơn. Ngoài Đạo Phật [chiến bằng trí tuệ], còn thì các ý hệ lớn đều xài đến gươm giáo và súng đạn. Islam, Cộng sản… một giuộc.

Islam vào Ấn Độ, Phật giáo bỏ của chạy lấy người, đến nỗi quê hương bản quán Đức Cồ Đàm hôm nay tín đồ đạo Phật chỉ còn lơ thơ vài chấm lốm đốm. Sau đó Islam quay lại chiến với Ấn giáo là quốc giáo đất nước này, dai dẳng đến không thể thỏa hiệp để nó banh ra làm hai: Pakistan, sau nữa là Bangladesh.

Nhìn gần hơn, Champa Bà-la-môn giáo, Phật Đại thừa ghé qua chả vấn đề gì. Ba thế kỉ không gợn chút dấu vết bạo động, còn hiệp lực làm nên kiệt tác Đồng Dương nữa. Chớ Islam vào thì khác.

Đọc sử thi: Akayet Um Mưrup, với 2 trường ca đủ nghe ớn. Đất nước tan tành, lòng người tanh bành. Mãi khi Ngài Pô Rômê hóa giải Islam thành Bà-ni, Cham ‘Ahiêr Awal’ mới sống hòa bình trong tình yêu thương. Suốt gần bốn thế kỉ…

Đến đầu thập niên 1960, khi Islam trở lại Pangdurangga, xung đột lại tái bản!

Tôn giáo nào cũng tốt, ừ hay lắm! Bởi tôn giáo nào cũng kêu đòi tình thương. Câu hỏi đặt ra ở đây là yêu ai? Thương người cùng đạo, còn lại là tà giáo đáng phỉ nhổ; yêu thương kẻ tin nghe mình, còn lại là loài súc sinh ‘haruk haram’ ô uế… có TỐT???

Trở lại với tuyên bố của Jesus: “Ta đến, không phải mang đến hòa bình, mà là lưỡi gươm”. Ừa, thì cứ tạm chấp nhận. Nếu sau lưỡi gươm là hoa hồng, sau chiến tranh là phát triển, sau máu đổ là lòng bác ái bao dung.

Câu hỏi khác: Sau khi “chôn Thơ mới”, nhóm Sáng tạo đóng góp gì vào thơ Việt? Sau khi đẩy phong trào hiện đại vào hậu trường, chủ nghĩa hậu hiện đại có mở ra khả thể sáng tạo để làm giàu sang nền thi ca nhơn loại không?

Cùng câu hỏi với ý hệ, sau khi gây chiến, tôn giáo đó có đưa đất nước hay dân tộc kia phát triển không? Có mở ra khí quyển văn hóa mới cho cá nhân tự do thể hiện khả năng và phát triển nhân cách hơn không?

Hay sau cách mạng là đói khát triền miên, là nhân quyền bị giẫm đạp?

Hoặc sau lưỡi gươm là u mê, là chậm tiến, là cuồng tín, là không chấp nhận những khác biệt “Others” để nhân loại còn chịu đựng bao cuộc chiến bạo tàn hơn nữa?

Có hay không, tôn giáo nào cũng tốt?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *