[hay Ôi là thiên đường!]
Phát hiện thấy giai cấp công nhân bị giới Tư bản phương Tây vắt kiệt sức mà lương lậu chả là bao, Karl Marx nằm mơ Thiên đường Cộng sản: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Phải chơi ngón bạo lực cách mạng giành lấy, không thể khác. Thế là Marx khai mào trận chiến đích thực đầu tiên cũng là cuối cùng quyết xóa sạch giai cấp bóc lột, làm nên Thiên đường trên mặt đất.
Tìm thì thấy, ở Thiên đường ấy, “mọi con vật đều bình đẳng, một số con vật bình đẳng hơn những con khác.” – George Orwell, Animal Farm.
Đạo Chúa chơi khác hơn, họ nghĩ ra mênh mông tầng địa ngục với bạt ngàn hình phạt để trừng trị bọn tà giáo, ngược lại ai tin theo Chúa thì được sung sướng đời đời. Thiên đường ấy ngon lành phải biết, còn nó có những thứ gì trên ấy, Chúa không cho biết, mặc Ki-tô hữu muốn tưởng tượng sao, tùy thích. Mơ mơ hồ hồ vậy mà được việc.
Islam cụ thể phải biết! Giữa bát ngát sa mạc, nước là nguồn sống, mà nước cao cấp hẳn là sữa. Thêm cái vụ nhìn đâu cũng thấy cát, có lạc đà cưỡi là giấc mơ đời người. Đàn bà con gái thì khan hiếm, người yêu sắp cưới bị dân buôn bỏ tiền ra mua dắt đi như bỡn.
Mơ thì được hứa. Nguồn sữa vô tận, thêm đôi cánh bay đi bay lại với 49 trinh nữ chờ cửa, sướng rên đi. Qua tận xứ Champa, nó vẫn thế. Um Mưrup vừa ngã xuống giữa trận tiền thì ‘Kamei ralô biak harơh mưblah dahlau mưblah hadei’: “Cả đống gái đẹp tranh trước tranh sau” đón chàng bay lên Thiên đường ‘Akhirah’ hứa hẹn ấy.
Nếu quý Muslim được hứa hưởng thụ, thì Đức Phật xúi Phật tử từ bỏ mọi lạc thú. Chả có chi ở trển đâu – Ngài nói dứt khoát.
Thì phải rồi chớ gì nữa. Không có thì thèm, chớ thừa mứa rồi còn thèm thuồng chi. Tất Đạt Đa là thái tử sắp kế nghiệp ngai vàng, có vợ đẹp con ngoan, của cải vô tận, xung quanh kẻ hầu người hạ đủ cả. Ngài kêu sinh linh nào từ bỏ được mọi vướng bận vật chất, chối bỏ quyền thế trần gian, thoát khỏi luân hồi nghiệp báo là đến được Thiên đường.
Ngài nghĩ ai cũng như mình, kẹt thế chứ! Hèn gì số người nghe theo Phật cứ là chầm chậm…
Câu chuyện Cham-85. TÔN GIÁO NÀO CŨNG TỐT?-3
[hay. Cham có Thiên đường không?]
Cham có Thiên đường không? – Có. Chia buồn hay đưa tiễn người mất, ta hay nói ‘nao truh Thôr riga’: đến tận Thiên đường. Còn Thiên đường ấy ra sao thì không ai biết, và chẳng ai buồn hình dung nó thế nào.
Agal Kinh ‘Ahiêr’ đọc ở ngày trọng đại nhất của đám thiêu có nhắc tới ‘Brahma-dhwa’ con đường đến với Brahma, tức ‘nao truh Thôr riga’. Tuy nhiên đó là việc của thầy tế, các vị chức sắc chớ bà con Cham nghĩ giản đơn hơn, xong lễ là: ‘nao tom muk kei’: đi gặp ông bà. Bà-la-môn Ahiêr hay Bà-ni Awal cũng hệt.
Chớ cái vụ vừa tắt thở là được 49 trinh nữ nõn nà như Ngọc Trinh xuống đón đi uống sữa đã đời rồi ghé phòng mấy nàng cho sướng đời, cứ thể tiếp tục chương trình thì người Bà-ni kêu: làm gì có chuyện đó! Thôi ta cứ ‘nao tom muk kei’: đi gặp ông bà, cho chắc ăn.
Thế ‘Muk kei’ là ai, ở đâu?
Các vị vua vĩ đại không hề chết, mà “hóa thân” ‘nao mưrup’ thì được Cham xây tháp mời các vị đến cư ngụ. Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Xah Inư… Các vị công trạng ít và tầm nhỏ hơn xíu có ‘Kut danok’ [‘Kut’ bia] như Pô Klong Halau, Pô Danok… còn quần chúng vô danh thì vào nằm ‘Kut’ hay Ghur của dòng tộc mình.
Họ không mất mà chỉ chuyển hộ khẩu qua thế giới mới, cũng sinh hoạt như người trần gian, khác điều đó là thế giới vĩnh cửu. Năm 1-4 lần ta “lên” đó thờ phụng, để còn chuẩn bị về ở chung với họ.
Cham có địa ngục không? – Cũng có luôn! ‘Nưrag’ hay ‘Labaang Nưrak’. Cham nói ‘Lek tamư labaang Nưrak’: Rớt xuống [hang] địa ngục. Còn địa ngục đó ghê gớm cỡ nào thì không ai nói cho nghe. Bởi sinh linh Cham khi qua ‘Đam padhi’ với Bà-ni hay ‘Đam cuh’ Bà-la-môn được tẩy rửa bằng Kinh Tẩy trần, đều lên Thiên đường [hay ‘nao tom muk kei’] tuốt.
Địa ngục là địa ngục ở trần gian.
Sartre kêu: Địa ngục là tha nhân “L’enfer c’est les autres” thì nghiệt quá đi, dù mệnh đề triết học này cần đến một lí giải dài. Chớ tôi thấy ở tha nhân có cả thiên đường lẫn địa ngục.
Địa ngục trần gian Cham hiện diện ngay trong đời sống, thể hiện qua Ý, Hành, và nhất là NGÔN. ‘Lek di pabah di dalah’: Rớt vào [địa ngục] do miệng lưỡi người đời.
Ariya Glang Anak nhấn và nhắc đi nhắc lại mãi vụ này.
Nietszche: Khi không còn có thể yêu thương được nữa [thiên đường], hãy im lặng tha thứ và bước qua, chớ nói lời đắng cay, nghiệt ngã mà tạo địa ngục cho nhau.