Yêu tức là hành động.
Ông bà Cham nói: ‘Nit joh drei ô hu get brei jaang yau ôh nit’: “Yêu ốm o, không có gì cho cũng như không yêu gì cả”. Yêu cần thể hiện qua hành động, cụ thể mà không chung chung, mơ hồ.
Khẩu hiệu dành cho các cháu hôm nay: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” thì chung chung và mơ hồ quá đi, trẻ con khó với tới. Thuở chúng tôi học thì khác, cụ thể và gần gũi: “Em yêu gia đình, yêu học đường và yêu Tổ quốc Việt Nam!”
Dạy thế, thế hệ người Việt hôm nay và mai sau chỉ có thể “yêu” nhân loại đẩu đâu hoặc yêu đồng bào chung chung mà không thể yêu cha mẹ, người ruột thịt hay láng giềng, thì không lạ.
Không lạ…
Khi vài nghệ sĩ “yêu đồng bào” gom tiền làm từ thiện bị vỡ trận, đã giận lẩy rằng, từ nay tôi không thèm làm từ thiện nữa đâu. Là yêu mình, chứ không phải yêu sinh linh bị nạn.
Thời bao cấp, cánh trẻ chúng tôi ‘ngak’ xã hội, ở đó thằng bạn – chỉ vì ông bố bị tố cáo oan suýt rũ tù, đã thề rằng có nhích ngón tay cũng không giúp cộng đồng ngu ngốc này. Vậy anh “làm xã hội” là vì cái gì khác, chứ không vì bà con rồi.
Làm thơ cũng hệt. Thuở Pô-Klong, dăm bạn học sính thơ, mà thơ cũng đọc được, “Giải phóng”, thấy đời mù mịt quá, liền bái bai thơ lao vào kiếm sống. Là bạn không yêu thơ, mà chỉ muốn qua thơ để cầu cái gì khác, lợi hay danh chẳng hạn.
Yêu thơ, dù đói khát, bị cấm đoán hay tù tội bạn vẫn miệt mài, mới là yêu đích thực.
“Bạn có yêu palei bạn không?” Bạn kêu bạn yêu, thế tại sao đất công làng bị lấn chiếm, bạn im lặng, thời sự palei bạn không hay, vấn đề cộm của người bà con bạn chẳng quan tâm, lịch sử palei bạn không cần biết.
Đó là tình yêu đầu môi chót lưỡi, không hơn.
Yêu là nhập cuộc, là đấu tranh. Bị trở ngại bạn rời cuộc chơi, là tình yêu kia chưa sâu đậm. Chỉ vì giận lẩy ai đó mà bạn thề “không bao giờ nữa”, là bạn vị mình chứ không vì công cuộc.
Yêu là ưu tư, là chăm sóc, là hành động cụ thể… Tình yêu cần được cân đong đo đếm qua hành động kia, mà không là gì khác.
Còn “Khi không thể yêu thương được nữa, hãy im lặng tha thứ mà bước qua” – Nietszche.