[tinh thần Giải Sân hận của Ariya Glang Anak]
Ở một trả lời phỏng vấn, tôi nói:
“Với Cham hôm nay, thứ nhất, hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu khái quát cũng được, hiểu sai chút đỉnh cũng không sao. Thứ hai, với quá khứ, giải sân hận và giải quá khứ. Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ mà là, hiểu và buông xả. Với hiện tại: hành nhẫn.”
Đó chính là tư tưởng Ariya Glang Anak.
Ariya Glang Anak ra đời đầu thế kỉ XIX, khi Champa đã tan rã. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây ra đại khủng hoảng, mang tính quyết định sự tồn vong [không phải đất nước nữa – đã mất rồi, mà] của sinh mệnh dân tộc. Hận thù có mặt khắp xung quanh, trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng” ta, nó có mặt giữa anh em bà con bè bạn ta, và ngay nơi thẳm sâu lòng ta nữa.
‘Dơh tanan ưn ka…’: Ngưng nơi ấy, nhịn đã: NHẪN.
Nhẫn, và MỞ LÒNG bao dung ppalai tung tian với mọi sinh linh, tận diệt mọi căm thù sâu kín trong ta.
Không lạ, khi các từ mưbai (thù), janưk (hận), janưk mưbai (thù hận) xuất hiện dày đặc trong Ariya Glang Anak. Glang Anak bày nó ra, đối mặt với nó, để hóa giải nó. Qua đó Ngài gieo hạt giống haniim (phúc, lành, thiện: 6 lần), haniim ayuh (phúc thọ) hay haniim phôl (thiện lành) trên mảnh đất vừa khai quang.
Ở Ariya Glang Anak, thù hận và phúc lành không như thứ đối kháng nhị nguyên mà, như một mở lối thoát, một khai thông hướng đi. Trong không khí ngột ngạt của lịch sử, tác phẩm đã mở ra cho chúng ta, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, hé cho chúng ta thấy, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, một tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng.
Ariya Glang Anak không chỉ là tác phẩm thế luận, hay triết luận, mà con hơn thế. Nói như Henri Miller: “Đây không là cuốn sách, đụng đến nó tức bạn đụng đến con người”.