[nền móng Giáo dục Cham]
Nhìn trở lại, giáo dục truyền thống của Cham: Người nam được dạy tôn thờ TRI THỨC, nữ: dạy LÀM GIÀU, chức sắc tôn giáo: hành lễ và giữ ĐẠO ĐỨC.
Câu hỏi đặt ra, “tề gia” là vấn đề thiết thực nhất lại không được tác giả Ariya Patauw Adat Likei đề cập đến, là sao? Gia đình không phải là hạt nhân xã hội sao? Tại sao suốt tập thơ không có một từ đề cập đến trách nhiệm và bổn phận của đàn ông với vợ con?
Kiến thức mênh mông thiên địa để làm gì, nếu nó không được vận dụng vào THỰC TIỄN sinh hoạt thường ngày? Lẽ nào quanh năm suốt tháng hết ‘pacoh xakarai’ đến cãi vả ‘akhar thrah’ với ‘xakawi’?
Nữ, được dạy làm GIÀU, mà giàu ấy chỉ nhấn về THỦ chứ không phải tấn. Vả lại một tay hòm, làm sao có thể giàu to, để có thể vượt qua lời nguyền “chẳng ai giàu ba họ” [tạm mượn tục ngữ Việt như thế]?
Và nữ hôm nay đâu phải cứ ru rú xó nhà, mà không gì khác?
Với ‘Halau janưng’ chức sắc tôn giáo, câu hỏi tương tự cũng có thể đặt ra. Lẽ nào cứ mãi với ‘Agal, Danak’ xưa cũ để hành lễ, mà không gì hơn? Thế giới phẳng, quả đất đã thành một làng, làng toàn câu, bao nhiêu cái mới được phát hiện và sáng tạo, học vị tiến sĩ thần học, triết học cho ‘Halau janưng’ Cham, tại sao không?
Giáo dục truyền thống Cham, nam: TRI THỨC, nữ: LÀM GIÀU, chức sắc tôn giáo: ĐẠO ĐỨC – là cái cốt tủy. Để tồn tại, một tồn tại đầy bản sắc, ba thành tố kia cần được tổng hợp, kết tủa và có mặt hài hòa trong mỗi sinh linh Cham.
Và gì nữa?!