[hay. Thủ đô Cham hậu hiện đại ở đâu?]
Cộng đồng Cham Awal, phía trí thức – khi anh Đạo Chớ mất, thầy Nguyễn Văn Tỷ hưu, còn PGS-TS Thành Phần; thêm giới chức sắc, xuất hiện hiện tượng ‘Acar jamư-ah’ chức sắc tập sự trẻ Nguyễn Ngọc Quỳnh. Cả hai được bà con kì vọng có thể lắp chỗ trống, nhưng rồi bao kì vọng thành thất vọng.
Cham Bà-ni đang dầu sôi lửa bóng, không thấy bóng anh Thành Phần đâu…
Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Thế hệ Cham hôm nay, trước trang thơ Ariya Glang Anak, Pauh Catwai, Ariya Cam Bini, đâu là độc giả của một ngọn nến?
Đại thi hào Cham không đòi hỏi Cham đọc Glang Anak với con mắt của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ, mà qua dòng chảy của thơ – đón nhận thông điệp.
Đâu là thông điệp Glang Anak?
Thi sĩ không ý định gửi thông điệp. Tác phẩm văn chương không dại dột làm thế. Dẫu sao ở vào thế mạt vận của dân tộc, họ không thể làm khác…
Glang Anak, Pauh Catwai phải vội vã
viết đã rất ngắn/ như thể trối trăng
(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Lời trối trăng ấy, suốt mấy thế hệ Cham chép truyền tụng.
Ariya Cam – Bini, anh chàng Bini kia trước khi nhảy vào giàn lửa theo người yêu về cõi khác, đã ném lại bức thông điệp nhân văn: ‘Cham thong Bini tha darah’ CHAM – BÀ-NI CHUNG DÒNG MÁU.
Pauh Catwai dạy gì? Ông dạy Cham biết YÊU VĂN HÓA DÂN TỘC, dám THẲNG LƯNG MÀ SỐNG.
Glang Anak gợi mở nhiều diễn ngôn. Đâu là THÔNG ĐIỆP? Không “vượt biên” như bao sinh linh khác, từ cù lao xa xôi trở về, Glang Anak để lại cho đời một tập thơ, rất mỏng. Rồi ông đi, làm vô danh giữa trời đất.
“Thông điệp trong cái chai là một bài thơ và do đó, là một dạng thông tri đặc biệt” – Hirsch viết. Thông điệp nằm đó, trong im lặng nơi đáy ciêt sách gia đình. Liên tục trong nhiều thế hệ, các hậu duệ của Người đã đón nhận, trang trọng.
Thông điệp gửi về niềm HI VỌNG, dẫu nhỏ yếu như ngọn nến giữa giông bão, vẫn hàm chứa tia hi vọng.
Ở Văn học Cham khái luận-1994, tôi viết:
“… không phải vì thế mà tất cả đã trở nên tuyệt vọng. Chủ trương bạo lực đã phải chịu sự thất bại nặng nề. Không thể phó mặc cho cả dân tộc chịu sự đầu độc của thời cuộc. Dân tộc Cham không thể là một con tốt trong bàn cờ chính trị cho một cá nhân hay một thế lực nào đó lợi dụng. Ariya Glang Anak tin tưởng vào sự sống còn qua cơn sóng gió của sinh mệnh dân tộc. Pauh Catwai nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của nền văn hóa Champa. Có tác giả chú ý đến việc lưu giữ phong tục tập quán truyền thống của tổ tiên. Và đặc biệt là mối đoàn kết dân tộc luôn được nêu lên hàng đầu. Đó là vài ngọn lửa yếu ớt được thắp lên trong đêm tối của sinh mệnh dân tộc.”
Một tác giả cổ điển khác viết:
Khik bek adat Cam drei/ Bilaan thong harei jaang tal pajơ
Cố giữ nhé, đạo cha ông/ Sắp đến rồi kia ngày mai tươi sáng.”
Chung chung với nóng vội quá!
Glang Anak cụ thể mà cao xa hơn. Đoạn cuối thi phẩm, câu 108-109, Người viết.
‘Ngap bal di Mưlithit đa ra laung…/ Hajiơng ra ngap nưm di ngauk tara/ Ppak akieng takai kara di tưh thaik lingal’.
Thuở bé, ở một lễ Rija, tôi nghe một cụ đố [vui có thưởng], hỏi các chú các bác có biết thủ đô Champa lúc này ở đâu không? Không ai trả lời được.
– Người thông tuệ thế, sao hôm nay nổi mát hỏi câu kì cục, – không ít Cham có mặt hôm đó nghĩ.
“… trên khoảng không/ Bốn góc, ngay chân sao Rua và khoảng giữa hình sao Cày”.
Đó chính là thông điệp, ẩn khuất giữa 116 cặp ‘ariya’ lục bát Cham.
Ngày mai, có thể dân tộc Cham rã tan như đất nước đã từng tan rã hai thế kỉ trước. Cham lần nữa phiêu giạt, xa và mỏng hơn, chìm khuất giữa những dân tộc xa lạ, bao nền văn hóa khác lạ. Dẫu sao, khi ta còn dám sống dưới dấu hiệu Pauh Catwai, khi tinh thần damnưy vẫn tồn tại nơi thẳm sâu tâm hồn ta, ta vẫn cứ là Cham. Độc đáo và độc nhất. Làm phong phú và đa dạng văn hóa và tinh thần cộng đồng bản địa nơi ta tạm dung!
Và nhất là, khi ta còn nhập tâm thông điệp Glang Anak.
Ở đất khách, nửa đêm thức giấc, tâm hồn ta không nơi nương tựa, ta cảm nghe cô đơn xiết bao. Ta nhìn lên khoảng không vô tận, và từ vùng kí ức sâu kín – ta bật nhớ thông điệp được nghe từ lâu lắm. Ta biết thủ đô Cham vẫn còn đó, hiện hữu giữa KHOẢNG KHÔNG bất khả diệt.
Và hi vọng được thắp lên trở lại trong ta.
Dù xa, rất xa vời. Ngàn năm, vạn năm – không ai biết trước.